Trưa nay (16/9), Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai tổ chức họp triển khai công tác ứng phó bão số 5 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bão số 5 di chuyển nhanh, cường độ mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 12, giật cấp 14.
Vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Bình đến TP Đà Nẵng (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có khả năng gió mạnh cấp 12, giật cấp 14.
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm. |
Nếu không có tác động bên ngoài, dự kiến bão sẽ đổ bộ khoảng từ trưa đến chiều ngày 18/9, ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, trọng tâm là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.
Ông Khiêm đưa ra lưu ý, bão số 5 mặc dù vùng xoáy tâm ở phía đông, nhưng hoàn lưu có xu hướng lệch tây, khi bão còn đang ở phía ngoài bờ thì có thể xuất hiện mưa, giông lốc, gió giật mạnh.
Dự báo, mưa lớn tập trung ở Trung Bộ từ chiều mai (17/9) đến đêm 18/9 với lượng mưa rất lớn, trong thời gian ngắn. Lũ cao nhất có khả năng lên báo động (BĐ) 2 ở các tỉnh Trung Bộ kèm nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Từ chiều mai đến đêm 18/9, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to. Lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 400mm.
Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa 50-150mm/đợt
Lũ trên các sông từ Quảng Bình - Thừa Thiên Huế có khả năng lên mức BĐ1–BĐ2, có nơi trên BĐ2; các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi ở mức BĐ1 và trên BĐ1.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, lạt sở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi.
Khu vực ngoài khơi Trung Bộ sóng cao 5-7m, vùng ven biển các tỉnh Trung Bộ và Bắc Trung Bộ sóng cao 3-5m.
Ven biển từ Huế đến Hà Tĩnh có thể xuất hiện nước dâng từ 0,7-1m.
Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 10h hôm nay, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 phương tiện/ 285.384 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
37 hồ thủy điện từ Thanh Hóa đến Quảng Nam đang vận hành bình thường, mực nước ở mức thấp, nhiều hồ xấp xỉ mực nước chết và không xả tràn.
Về hồ chứa thủy lợi, có 55 hồ hư hỏng cần lưu ý (Thanh Hóa 16, Nghệ An 10, Hà Tĩnh 8, Quảng Bình 12, Quảng Trị 6, Thừa Thiên Huế 3) và 41 hồ đang thi công.
Từ Thanh Hóa – Đà Nẵng có 99 vị trí xung yếu đê biển cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ.
Chủ động ứng phó
Kết luận cuộc họp, trước diễn biến của bão, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương không để bị động bất ngờ, tiếp tục theo dõi diễn biến của bão để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. |
Ban chỉ đạo phải chủ động để có các phương án ứng phó với phương châm 4 tại chỗ. Các địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thuỷ sản, giao thông rà soát tất cả các phương tiện trên biển, đưa người và phương tiện vào nơi tránh trú hoặc ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tổ chức di dời người dân trên biển vào đất liền, đặc biệt những khu vực nuôi trồng thuỷ sản. Triển khai các phương án bảo vệ các công trình đang thi công, an toàn cho người lao động, các công trình sản xuất khu công nghiệp, đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên các đảo, đất liền.
Với miền núi trung du, trước nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, các bộ ngành và địa phương cần chủ động rà soát tất cả vị trí nhà ở người dân để xác định khu vực nguy hiểm để sơ tán ngay, không để thiệt hại cho người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tập trung công tác dự báo chính xác, đúng diễn biến của cơn bão, kịp thời cung cấp thông tin để người dân, các cơ quan biết và có biện pháp ứng phó...
Cháy lớn ở quận 9, nhiều nhà dân bị thiêu rụi
Cháy lớn ở khu nhà trọ rồi lan rộng sang nhà dân, kho chứa hàng ở quận 9 (TP.HCM), thiêu rụi nhiều tài sản.
Hương Quỳnh