Vùng đồng bào DTTS, vùng núi, vùng sâu, vùng xa của Việt Nam có nguồn tài nguyên cây dược liệu rất lớn. Có nhiều loài cây dược liệu quý, hiếm đặc hữu vừa có công dụng chữa bệnh vừa có giá trị kinh tế cao, được phân bố rộng khắp trên cả nước, như: sâm Ngọc linh, sâm Lai Châu, sâm vũ diệp, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai, thanh thiên quỳ, bình vôi…
Hiện đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gene thuộc 884 loài cây thuốc, có nhiều loài quý hiếm thuộc diện có nguy cơ bị tuyệt chủng, loài đặc hữu, loài có giá trị kinh tế; tại 7 vườn cây thuốc vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội); vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh).
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ tại nước ngoài tháng 9/2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu” diễn ra sáng 28/9, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương khẳng định, trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam có nguồn dược liệu đa dạng với trên 5.100 loài, nhiều dược liệu tự nhiên quý hiếm.
Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế.
Trong đó, diện tích quế đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Với cây hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc.
Các mặt hàng, sản phẩm từ quế hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch.
Bên cạnh đó, có thể kể đến là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm toàn cầu, sự phổ biến rộng rãi của văn hóa ẩm thực sử dụng hương liệu tự nhiên, truyền thống, mang đậm bản sắc của các quốc gia.
Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý y dược, Bộ Y tế đánh giá, Việt Nam là quốc gia có nguồn dược liệu đa dạng, nhiều loại quý và hiếm.
Tuy nhiên đây chưa phải là nguồn hàng hoá có kim ngạch xuất khẩu cao. Nguyên nhân chủ yếu theo là do chưa có quy hoạch phát triển cây dược liệu tại Việt Nam đang mang tính tự phát, đặc biệt do chưa xác định đầu ra cụ thể nên vẫn xảy ra tình trạng phá bỏ do không tiêu thụ được.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thế Thịnh đề nghị, các Bộ ngành phối hợp phát triển công nghiệp chế biến cây dược liệu, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho bà con vùng trồng. Doanh nghiệp tăng cường tham gia triển lãm quốc tế nhằm tìm đối tác.
Cùng đó, đại diện Bộ Y tế đề xuất, cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu các dự án để nghiên cứu bảo tồn nguồn gen, giống cây thuốc xây dựng vườn cây quốc gia. Liên kết cá nhân trong và người nước phát triển dược liệu hướng đến xuất khẩu. Xác định chiến lược tiếp thị và quảng bá phù hợp. Tăng cường hiệu quả vận chuyển giao hàng, trao đổi thông tin về chính sách thương mại, nhất là chính sách mới.