Chuyện mẹ chồng, con dâu không chung quan điểm sống dẫn tới mâu thuẫn gia đình mà kể mãi cũng không hết chuyện. Để giữ gìn hạnh phúc gia đình, có những bí kíp rất đơn giản mà không phải ai cũng biết.

Nếu cứ khư khư lề thói cũ, những thế hệ người già sẽ không nhận được sự hiếu thuận của con cái, ngược lại người trẻ, nếu quá tân tiến thì bất đồng sẽ là chuyện đương nhiên.

Khi chồng là của quý

Sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, chị Hạnh ra Hà Nội học và lấy chồng. Hiện chị là nhân viên kinh doanh cho một công ty tư nhân. Chồng chị cũng không phải người Hà Nội.

Mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh khi chị Hạnh sinh đứa con trai đầu lòng và vợ chồng chị đón mẹ chồng từ quê ra trông cháu. Không muốn để mẹ vất vả nên chị Hạnh cố gắng làm hết mọi việc nhà để bà chỉ chơi với cháu.

Một ngày của chị bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc lúc 12 giờ đêm mới xong hết việc nhà. Vì công việc nhiều nên chị đề nghị với chồng phụ làm việc nhà với mình. Thương vợ, chồng chị nhất trí, nhưng cũng kể từ đó mẹ chồng tôi luôn tỏ thái độ không bằng lòng, vì bà quan niệm đàn ông chỉ làm việc lớn.

Đỉnh điểm là một hôm khi chị Hạnh đang cho con ăn, chồng chị bê mâm bát đi rửa, mẹ chồng chị đã đứng phắt dậy chạy đến và tát thẳng vào mặt chị vì cái tội “bắt chồng rửa bát”.

Khi trong nhà có một “bà dâu”

Chuyện vợ chồng bà Hà ở Thanh Lương, Hà Nội, khổ vì con dâu cả xóm ai cũng biết. Vợ chồng bà đều là giáo viên về hưu, có cậu con trai út mới lập gia đình. Con trai chỉ làm một nhân viên văn phòng nên thu nhập cũng eo hẹp, còn con dâu làm kế toán trưởng cho một công ty xuất nhập khẩu nên thu nhập khá hơn rất nhiều.

Sau ngày cưới, con dâu bà tuyên bố hàng tháng sẽ đưa cho mẹ chồng hẳn 10 triệu đồng để cơm nước, nhưng sẽ không làm việc nhà. Đã vậy, bữa ăn nào con dâu tôi cũng chê đồ ăn không ngon như thịt bò dai, cá nhiều xương… và tỏ ý nghi ngờ tiền ăn bị bớt xén.

Quần áo con dâu thay ra vợ chồng bà phải dọn dẹp, góp ý thì con dâu nói thẳng: “Bố mẹ ở nhà có làm gì đâu mà không làm nổi những việc đó”.

Nhưng điều bà Hà bực nhất là con dâu nhất quyết không sinh đẻ với lý do sợ mất việc. Vợ chồng bà nhẹ nhàng khuyên bảo đẻ sớm không tuổi lớn sẽ nhiều ảnh hưởng sức khỏe mẹ con thì, con dâu thẳng toẹt: “Ông bà lương hưu ba cọc, ba đồng có nuôi nổi con cháu đâu mà đòi đẻ”, biết vợ láo nhưng con trai cũng đành im lặng vì lương không nuôi đủ vợ con.

Cởi mở để tan "bão"

Hai câu chuyện trên đây chỉ là ví dụ rất nhỏ cho xung đột mẹ chồng nàng dâu. Đó là vấn đề của “nhập gia tùy tục”, chuyện xưa và áp lực nay… Theo thạc sĩ Minh Tâm - một nhà nghiên cứu về gia đình - Những gia đình Việt Nam xưa nay, ai cũng muốn lấy cái nền nếp gia phong để giữ yên kỷ cương trật tự. Trong gia đình có ông bà, bố mẹ, con cái, cháu chắt... nhất nhất tuân thủ nền nếp đã có từ bao đời. Con dâu về nhà chồng thì phải xắn tay áo vào công việc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa. Rồi thì trăm thứ lễ nghĩa khác phải tuân theo...

Thế rồi bỗng dưng đến thời hiện đại, con dâu đổi nết đòi thuê người giúp việc, đòi chồng phải bình đẳng trong việc bếp núc nội trợ... “Cuộc chiến” gia đình đã xảy ra. Chính vì mâu thuẫn ấy, mà đa phần cô dâu thời nay đòi ra ở riêng để tự do lo liệu gia đình, đòi bình đẳng gia đình, khiến bố mẹ chồng cảm thấy hụt hẫng, mặc cảm rằng mình không lo được cho con…

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Minh Tâm, áp lực gia đình là chuyện muôn đời, xưa nay đều có. Với tiêu chí của cuộc sống ngày nay, muốn gia đình nhiều thế hệ sống hòa thuận ấm cúng, vui vẻ chan hòa thì các mọi người cần cởi mở thân thiện sẻ chia trong mọi việc với nhau.

Nếu cứ khư khư lề thói cũ, những thế hệ người già sẽ không nhận được sự hiếu thuận của con cái, ngược lại người trẻ, nếu quá tân tiến dẫn đến cách sống và cư xử lố bịch, thì bất đồng sẽ là chuyện đương nhiên. Biết đổi mới tư duy, biết thích nghi với hoàn cảnh, chính là điều kiện để hạnh phúc, Thạc sĩ Minh Tâm nhấn mạnh.

(Theo PhapluatVN)