Nhật báo Trung Quốc đã đăng bài nói về cuộc tập trận hải quân chung giữa Philippines và Mỹ ở gần Biển Đông. Báo dẫn nhận định của chuyên gia Trung Quốc cho rằng, động thái này thể hiện sự hiện diện quân sự lớn của Mỹ trong khu vực ở thời điểm nhạy cảm.

Cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày gọi tắt là CARAT 2011 đã bắt đầu ở biển Sulu chia cách với Biển Đông bởi đảo Palawan của Philippines. Các tàu khu trục trang bị tên lửa của Mỹ sẽ cùng với các tàu chiến của nước chủ nhà tuần tra vùng biển Philippines tại biển Sulu.

Nhật báo Trung Quốc đã dẫn tuyên bố của Hồng Lỗi - người phát ngôn bộ ngoại giao nước này bình luận về cuộc tập trận: "Chúng tôi hy vọng các bên liên quan làm nhiều điều có lợi hơn cho ổn định khu vực”.

Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines bắt đầu từ năm 1995, nhưng cuộc tập trận lần này diễn ra vào lúc căng thẳng ở Biển Đông gia tăng. Và theo Tô Hạo – phụ trách trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Xung đột thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc thì đó là điều đáng nghi ngờ.



Vài tháng gần đây, tranh chấp ở Biển Đông một lần nữa trở thành điểm nóng khi quan chức Manila phản đối việc Trung Quốc trong năm nay ít nhất đã sáu lần xâm nhập vùng biển Philippines. Việt Nam cũng phản đối mạnh mẽ việc các tàu Trung Quốc quấy nhiễu, cắt cáp các tàu thăm dò dầu khí khi tàu thăm dò hoạt động ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Biển Đông – vùng biển được tin là giàu tài nguyên dầu khí, và những tuyến hàng hải sống còn với thương mại toàn cầu.

Nói về cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines, ông Tô cho hay: "Cuộc diễn tập diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm. Và Mỹ đã thể hiện sự hiện diện quân sự cao độ ở Biển Đông, những gì Mỹ quan tâm là việc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ bất lợi cho các lợi ích của họ trong khu vực này”.

Thượng viện Mỹ hôm thứ Hai đã nhất trí thông qua nghị quyết “phàn nàn về việc sử dụng vũ lực của các tàu hải quân và an ninh hàng hải từ Trung Quốc ở Biển Đông”, đồng thời thúc giục “một tiến trình đa phương, hòa bình để giải quyết tranh chấp”. Đặc biệt, nghị quyết ủng hộ việc quân đội Mỹ tiếp tục có các hoạt động hỗ trợ cho quyền tự do hàng hải tại các vùng biển và không phận quốc tế ở Biển Đông.

Các nghị sĩ Mỹ đồng thời yêu cầu các bên kiềm chế cũng như không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề liên quan tới tranh chấp.

Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, khẳng định các nước Đông Nam Á đang quan ngại sâu sắc trước những hành động "hăm dọa" của Trung Quốc.

Trong khi đó, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại khẳng định, tranh chấp “nên được giải quyết thông qua hội đàm trực tiếp giữa các bên có liên quan trực tiếp” và cũng không quên quả quyết là “tự do hàng hải không bao giờ bị ảnh hưởng".

Ông này cho rằng, nghị quyết mà Thượng viện Mỹ thông qua là vô lý, rằng “các thượng nghị sĩ nên làm nhiều hơn để thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực”.

Nhật báo Trung Quốc trong bài viết về cuộc tập trận chung đã trích nhận định của Diệp Hải Lâm – nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói, Mỹ không tìm kiếm việc kích động các nước liên quan trong khu vực để dẫn tới cuộc xung đột trực tiếp với Trung Quốc. Theo ông này, những gì Mỹ thực sự muốn thấy là một “tình hình bất ổn” trong khu vực để họ có thể “trở thành nhà điều phối, người dẫn dắt trong các cuộc đàm phán”.

  • Thái An