Dưới những cánh rừng già nguyên sinh của huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là những cây chè cổ thụ hàng trăm, nghìn năm tuổi. 

Để phát huy lợi thế này, Phong Thổ đã triển khai xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển chè cổ thụ trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025.

Theo đó, tổ chức rà soát diện tích đất trống, trồng bổ sung vào diện tích rừng có độ tàn che thấp và phải có các điều kiện độ cao, khí hậu tương đồng với các vùng chè thực hiện bảo tồn. Tổ chức gieo ươm các giống chè cổ thụ (Shan tuyết; hoa đỏ) để chủ động nguồn giống phục vụ cho gieo trồng.

Với mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng chè cổ thụ hiện có, huyện đã chỉ đạo các xã có diện tích chè cổ thụ xây dựng và bổ sung vào quy ước, hương ước về quản lý và bảo vệ chè cổ thụ; tổ chức giao khoán bảo vệ và hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc, bảo vệ, thu hái chè cổ thụ; Giao từng cây cho các hộ, nhóm hộ hoặc hợp tác xã để quản lý, bảo vệ và được khai thác búp chè và việc khai thác phải đảm bảo theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn của huyện. Tiến hành điều tra, định vị, xây dựng bản đồ khu vực có cây chè cổ thụ phân bố để gắn biển những cây chè cần bảo tồn để quản lý, bảo vệ cũng như chăm sóc và khai thác.

W-anhphongtho.png
Dưới những cánh rừng già nguyên sinh của huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là những cây chè cổ thụ hàng trăm, nghìn năm tuổi. 

Đầu tư 9km đường giao thông nội đồng tại khu vực vùng cổ thụ, trong đó: xã Mồ Sì San 2,5km; Sì Lở Lầu 2,0km; Hoang Thèn 4,5km.

Bên cạnh đó, trồng mới 25ha chè cổ thụ trên địa bàn xã Hoang Thèn, Mồ Sì San. Đặc biệt, chú trọng sản xuất chè cổ thụ theo hướng an toàn vừa thu hái vừa bảo tồn nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác triệt để ảnh hưởng tới diện tích chè cổ thụ hiện có.

Phong Thổ còn thành lập 3 hợp tác xã (HTX) liên kết bảo tồn, chế biến và bao tiêu sản phẩm chè, các HTX đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, cơ sở chế biến chè. Mỗi năm bình quân sản lượng chè khô bán ra thị trường đạt trên 3 tấn. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm ngoài thời vụ, thêm thu nhập cho nhân dân trên địa bàn có vùng chè cổ thụ.

Ngoài Hợp tác xã Biên Cương, hiện nay Phong Thổ còn có Hợp tác xã Xín Chải của xã Hoang Thèn, Hợp tác xã Sì Lở Lầu cũng tích cực tham gia chuỗi sản xuất trà cổ thụ với nhiều sản phẩm như trà xanh, trà đỏ, trà hồng. Từ đó, khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương nhằm nâng cao thu nhập, tạo dựng thương hiệu trà cổ thụ vùng biên.

Nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm trà cổ thụ theo định hướng, mở rộng thị trường tiêu thụ hướng đến tiếp cận khách hàng quốc tế, huyện Phong Thổ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, đưa các sản phẩm trà cổ thụ của địa phương tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị trong và ngoài tỉnh; lên sàn thương mại điện tử.  

Đồng thời, huyện tiếp tục đẩy mạnh chương trình OCOP, tạo điều kiện và khuyến khích các Hợp tác xã đưa sản phẩm trà cổ thụ của đơn vị tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Mục tiêu đến năm 2024, toàn huyện sẽ có từ 6-10 sản phẩm trà cổ thụ đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh. 

Đức Yên và nhóm PV, BTV