- Lần đầu tiên Việt Nam chính thức áp dụng áp thuế tự vệ đối với dầu thực vật nhập khẩu, kể từ 7/9 tới. Nhưng giữa tự vệ và bảo hộ là ranh giới khá mong manh. Cứu được DN, người tiêu dùng lại chịu thiệt thòi giá cao.

Lao đao theo giá hàng nhập khẩu

Hôm 23/8, sau 8 tháng điều tra, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định chính thức áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu thực vật, cụ thể là dầu nành và dầu cọ tinh luyện. Theo đó, các mặt hàng dầu nhập khẩu trên sẽ không còn được hưởng mức thuế ưu đãi 0% mà phải chịu thuế suất 5%, giảm dần xuống 2% vào năm 2017.

Vụ việc được khởi xướng bởi Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) vào tháng 11/2012 và đã nhận được sự đồng thuận của 4 công ty gồm Cổ phần Dầu thực vật Tường An, Cổ phần Dầu Thực vật Tân Bình, TNHH Dầu Thực vật Cái Lân, Dầu ăn Holden Hope - Nhà Bè.

Đại diện cho ngành sản xuất trong nước, Vocarimex khẳng định sự gia tăng đột biến của mặt hàng dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu là nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn đối với ngành sản xuất trong nước.

Điều tra của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, cũng cho thấy năm 2009-2010, thị phần của nhà sản xuất trong nước là 52%, dầu nhập khẩu là 48%, nhưng kể từ năm 2011, ngôi vị bắt đầu đảo chiều khi dầu trong nước đã giảm thị phần còn 44%, dầu nhập khẩu tăng lên 56%. Năm 2012, thị phần của dầu ăn trong nước chỉ còn là 27%, dầu nhập khẩu áp đảo với thị phần 73%, gấp 2,5 lần dầu trong nước.

{keywords}
Cứu DN, người tiêu dùng phải mua dầu ăn giá cao? (ảnh minh họa vietq)

Ngành sản xuất dầu ăn trong nước năm 2012 đã đồng loạt phải cắt giảm sản lượng sản xuất xuống còn 1/3 so với năm trước, mặc dù công suất thiết kế toàn ngành đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước tới năm 2015.

Điều “cay đắng” nhất cho các nhà sản xuất trong nước là giá cả của họ lại bị ép phải hạ theo giá dầu ngoại, thay vì được quyết định bởi chi phí giá thành thực sự.

Nếu như năm 2009-2010, giá bán dầu ăn trong nước cũng như giá dầu ăn nhập khẩu đều tăng do giá nguyên liệu đầu vào thì từ quý IV/2011, giá dầu ăn lại bị phụ thuộc đơn thuần vào giá nhập khẩu. Bất chấp nguyên liệu đầu vào đang tăng, năm 2012, khi hàng nhập khẩu giảm giá bán 12%, các nhà sản xuất trong nước cũng giảm khoảng 6,3% giá bán, mặc dù trước đó họ đã cố gắng giảm 1-6% chi phí giá thành.

Năm 2010, doanh thu bán hàng nội địa mặt hàng này tăng khoảng 50% so với năm 2009, thậm chí năm 2011 còn tăng gấp đôi năm 2009. Tuy nhiên, năm 2012, doanh thu đã giảm khoảng gần 38% so với năm 2011.

Chứng minh rõ những thiệt hại lớn cho ngành sản xuất trong nước, cơ quan điều tra mới đi đến quyết định cuối cùng về áp thuế tự vệ đối với dầu nhập khẩu.

Vị đắng khi tự vệ

Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam mới có 2 vụ điều tra tự vệ và 2 vụ kiện chống bán phá giá. Năm 2009, Việt Nam đã từng có một vụ điều tra tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhưng không thành công do thiếu chứng cớ thuyết phục.

Việc áp thuế tự vệ với dầu ăn nhập khẩu là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng công cụ phòng vệ thương mại. Điều đó cũng cho thấy sự trưởng thành của doanh nghiệp nội trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu; và ít nhiều cũng khỏa lấp bớt hình ảnh DN Việt Nam thờ ơ với hội nhập, yếu ớt, không biết tự bảo vệ mình.

Không thể phủ nhận, biện pháp tự vệ trên sẽ có thể cứu được các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong nước trước cơn lốc hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ người tiêu dùng lại thấy chạnh lòng vì nhiều lẽ. Biết đâu, câu chuyện “tự vệ” trên lại gậy ông đập lưng ông, vì tự vệ hay bảo hộ, ranh giới khá mong manh.

Hiện giá bán sản phẩm dầu thực vật nhập khẩu rất rẻ, trung bình chỉ 13.000 đồng/lít, dầu cọ tinh luyện giá 12.700 đồng/lít, nhóm hàng dầu cọ tinh luyện giá 17.200 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu đậu nành trong nước khoảng 44.000 đồng/lít.

Năm 2012, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu dầu thực vật từ 5% về 0%. Rõ ràng, sự ưu đãi thuế này sẽ kéo theo sự gia tăng đột biến của dầu ăn nhập khẩu. Giá dầu ăn nhập khẩu rẻ hơn nhiều so với dầu trong nước. Những tình huống đó chắc chắn phải được các nhà sản xuất trong nước lường trước, chứ không thể là “bất ngờ, ngoài kiểm soát” như cơ quan điều tra nhận định.

Khi hàng ngoại tràn vào, các nhà sản xuất trong nước buộc phải tìm cách hạ giá thành, tiết giảm chi phí để có mức giá cạnh tranh hơn, nếu không, họ sẽ chịu thua ngay chính trên sân nhà.

Sau 5 năm gia nhập WTO, ngành dầu thực vật Việt Nam đến nay vẫn đang phụ thuộc tới 90% nguồn nguyên liệu nhập khẩu (đặc biệt là dầu cọ) chủ yếu từ Malaysia và Indonesia. Có lẽ, đây chính là nguyên nhân khiến giá thành dầu ăn trong nước khó mà “cạnh tranh” nổi với hàng nhập khẩu.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, ai ai cũng hi vọng, hàng hóa trong nước sẽ rẻ hơn, đa dạng hơn dưới áp lực cạnh tranh khốc liệt. Song, áp thuế tự vệ với mặt hàng dầu ăn nhập khẩu, nếu chúng ta “cứu” được các DN sản xuất trong nước thì phải chăng người tiêu dùng đang thua thiệt khi không được “ăn” dầu giá rẻ? Bởi, đến nay, người tiêu dùng vẫn “ngấm” vị đắng của 10 năm bảo hộ công nghiệp ôtô trong khi ngành này vẫn ì ạch khởi động, giá cả đắt đỏ. Tới 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ giảm còn 0-5% thì hoặc các nhà sản xuất trong nước sẽ lại xin tự vệ, hoặc các liên doanh sẽ rút hết về nước, chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu.

Canh tranh khốc liệt sẽ có kẻ thắng - người thua, nhưng cạnh tranh lành mạnh thì hai bên sẽ cùng win-win. Trong cuộc chơi đó, người tiêu dùng Việt đứng ở đâu?

Phạm Huyền