Ngay sau tai nạn, nam thanh niên 26 tuổi quê Hà Nam được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) hôm 24/11 với thanh sắt giữ nguyên vị trí, trong tình trạng nhợt nhạt, khó thở nhiều, hô hấp phổi trái mất toàn bộ.

Bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ có vết thương thấu bụng ngực gây suy hô hấp, suy tuần hoàn. Thanh sắt tại vị trí không cho phép chụp X-quang thường cũng như chụp cắt lớp để đánh giá tổn thương. Siêu âm cấp cứu cho thấy lồng ngực trái đầy máu, xẹp hoàn toàn phổi trái...

Hội chẩn đa chuyên khoa lập tức được tiến hành, gồm thầy thuốc khoa Cấp cứu, Phẫu thuật gan mật tụy, Phẫu thuật lồng ngực - tim mạch, nhanh chóng đưa ra chỉ định mổ cấp cứu khẩn cấp với ê-kíp mổ kết hợp phẫu thuật bụng và lồng ngực. 

Tiến sĩ Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa Ngoại lồng ngực, nhận định đây là tổn thương rất phức tạp và nguy hiểm vì tổn thương cả tĩnh mạch chủ dưới, gan và phổi.

"Khó khăn của tổn thương này là do vị trí sau gan, dưới cơ hoành, rất khó bộc lộ và khống chế, tĩnh mạch chủ là mạch máu rất lớn, có thể gây mất máu tử vong rất nhanh", bác sĩ Hải nói.

Ngoài ra khi kẹp tĩnh mạch chủ dưới để khâu phục hồi, lượng máu tuần hoàn về tim sẽ giảm đột ngột, gây tụt huyết áp, dẫn đến thiếu máu não, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng mất não sau mổ. Kẹp tĩnh mạch trên gan kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn do nhiễm độc trầm trọng.

"Với tính chất nguy hiểm như vậy, y văn trên thế giới cũng ghi nhận có rất ít trường hợp tổn thương tĩnh mạch chủ dưới trên tĩnh mạch gan như ca này được cấp cứu thành công", vị chuyên gia cho hay.

Trước khi gây mê, bệnh nhân được đặt dẫn lưu để giải phóng khoang màng phổi trái, dẫn ra khoảng 1 lít dịch máu đen.

phauthuat108.jpg
Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ đồng hồ, huy động hàng chục thầy thuốc từ nhiều chuyên khoa. Ảnh: BVCC

Ê-kíp phẫu thuật mở bụng thăm dò, thấy thanh sắt đâm xuyên qua phân thuỳ 6 gan phải, hướng lên vị trí tĩnh mạch chủ dưới, qua cơ hoành vào lồng ngực trái. Mở ngực trái, bác sĩ thấy dị vật cứa rách ngang thành trước tĩnh mạch chủ dưới, xuyên qua thuỳ dưới phổi trái và đâm vào thành ngực gãy xương sườn. Máu tiếp tục chảy từ vết thương tĩnh mạch chủ dưới và vết thương phổi.

"Vết thương tĩnh mạch chủ được ép lại một phần bởi thanh sắt được giữ nguyên vị trí, giúp bệnh nhân không tử vong ngay do mất máu cấp", bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ, dị vật được rút ra cho thấy tổn thương khoảng 4cm rách ngang toàn bộ mặt trước tĩnh mạch chủ dưới, sang một phần tĩnh mạch trên gan. Kíp mổ nhanh chóng khâu phục hồi vết rách tĩnh mạch chủ và đuổi khí, thả kẹp tĩnh mạch tái lập tuần hoàn. Thời gian kẹp tĩnh mạch chủ chỉ trong vòng 5 phút.

Sau khi huyết động bệnh nhân ổn định, ê-kíp mổ tiến hành cắt phần thuỳ dưới phổi trái bị tổn thương, khâu phục hồi các mạch máu và đường mật của phần nhu mô gan bị đâm xuyên. Quá trình phẫu thuật kéo dài hơn 4 tiếng, tổng cộng trước và trong mổ, bệnh nhân mất khoảng 2,5 lít máu.

Ngày 5/12, bệnh nhân được ra viện trong tình trạng ổn định, hô hấp bình thường, ăn uống tốt, hẹn tái khám định kỳ để theo dõi đảm bảo kết quả lâu dài của phẫu thuật.