- Ngay sau khi bài viết " Mẹ bật đèn xanh cho con gái 18 tuổi làm "chuyện ấy" đăng tải, tòa soạn đã nhận hàng trăm ý kiến phản hồi của độc giả về chủ đề nóng này. Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của chị Nguyễn Thị Hằng (Hoàng Mai - Hà Nội) tranh luận cùng chị Nguyễn Minh Huyền về câu chuyện nên hay không nên "vẽ đường cho hươu chạy"?


Tôi cũng là một người mẹ có con gái đang ở tuổi teen. Đọc trường hợp của chị Huyền, tôi nghĩ đi nghĩ lại vẫn không thể nào đồng tình được với cái phần thưởng mà chị dành cho con.

Tôi có phải là một người cổ hủ không? Chắc chắn là không.

Tôi nghĩ mình từng là người thiệt thòi, không được giáo dục giới tính dù ít dù nhiều, cha mẹ trước đây hầu như cũng không chỉ bảo một chút gì, điều đó là do rất nhiều lý do và cả ý thức ở một giai đoạn nhất định. Tất cả những gì chúng tôi biết trước đây, oái oăm thay, đều là từ những cuốn sách tôi đọc trộm.

Tôi luôn nghĩ mình cần phải bù đắp cho con mình để chúng không bị mù tịt như thế hệ chúng tôi. Bởi vậy tôi chú ý chỉ cho con, ngay từ bé, cách khám phá dần dần bản thân từ chuyện vệ sinh cá nhân, từ cách ăn mặc, ứng xử hàng ngày cho đến việc nhìn nhận các mối quan hệ những người xung quanh...

Lợi thế của các cháu bây giờ là ở trường các cũng được tiếp xúc với giáo dục giới tính, sách báo về chủ đề này cũng rất nhiều, tuy nhiên hướng dẫn của cha mẹ cũng hết sức quan trọng. Tất cả những thứ đó phải được ngấm từ từ vào ý thức của con cái từ bé đến lớn.

Khuyến khích con làm "chuyện ấy" là sự thất bại của cha mẹ!

Sự hiểu biết về giới tính, về an toàn tình dục của chúng chắc chắn phải được đặt trong môi trường, truyền thống văn hóa xã hội Việt Nam. Dù xã hội có thay đổi, có hội nhập thế nào đi chăng nữa, thì cái trinh tiết, sự thủy chung vẫn được tôn trọng.

Trở lại với câu chuyện của chị Huyền, theo tôi cũng đã từng có nhiều ý kiến bàn luận về chủ đề này, song tập trung về hai quan điểm sau:

- Loại quan điểm thứ nhất là: Cần giữ nền nếp truyền thống, coi trọng sự trinh tiết, hướng dẫn trẻ mới lớn nghiêm túc trong quan hệ, tránh quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên bằng những cách nghiêm khắc và không chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân. Đặc biệt, trong môi trường sống không nên "vẽ đường cho hươu chạy".

- Loại quan điểm thứ hai là: Cần dạy cho trẻ biết về giới tính ngay từ khi có thể, đặc biệt nhiều người thuộc nhóm quan điểm này còn cho rằng cần thoải mái với lớp trẻ hơn, có thể chấp nhận được việc quan hệ tình dục ở lứa tuổi teen nếu việc quan hệ là an toàn. Lý luận của nhóm này là "không vẽ đường, thì hươu vẫn chạy", do vậy cần "vẽ cho hươu chạy đúng đường".

Chấp nhận việc quan hệ tự do, dần dần tình dục sẽ chỉ là một trò chơi đáp ứng nhu cầu bản năng... (Ảnh chỉ có tính minh họa).
Trong khi hai quan điểm nói trên vẫn còn đang tranh luận chưa ngã ngũ, thì thực tế đời sống tình dục tuổi teen ở Việt Nam ngày càng đáng báo động. Nạn phá thai trầm trọng, tỷ lệ phá thai ở Việt Nam đứng vào hàng cao nhất thế giới. Thậm chí tuổi nạo phá thai ngày càng trẻ hóa là một thực trạng nguy hiểm không chỉ cho cá nhân, gia đình mà là vấn nạn của xã hội.

Việc đưa ra một quan điểm, hướng giáo dục là hết sức quan trọng và cấp thiết.

Cần nhận định vấn đề dựa trên nhiều yếu tố như truyền thống, đạo đức xã hội, thói quen của người Việt và cả những thực tế đã và đang xảy ra mới mong tìm được câu trả lời thỏa đáng. Người viết bài này xin đóng góp một vài ý kiến như sau:

Tôi không đồng tình với những người có quan điểm thứ hai là hoàn toàn tự do tình dục, kể cả lứa tuổi teen, miễn là đảm bảo an toàn. Theo tôi, tư tưởng này chỉ phản ánh sự thất bại trong việc giáo dục giới tính của gia đình và xã hội mà thôi.
Dù xã hội có thay đổi, có hội nhập thế nào đi chăng nữa, thì cái trinh tiết, sự thủy chung vẫn được tôn trọng.

Không ai phủ nhận việc quan hệ giới tính là một nhu cầu bình thường trong đời sống con người, nó cũng như đói ăn, khát uống, mỏi mệt phải nghỉ ngơi, thư giãn... Tuy nhiên, điều đó không phải được đáp ứng một cách thoải mái và hoàn toàn tự do. Đời sống tình dục không chỉ ràng buộc theo từng điều kiện bản thân, nó còn chịu ràng buộc bởi các quy luật tự nhiên, xã hội khác nhau.
Không thể lấy tiêu chuẩn Mỹ áp vào Việt Nam
Trong điều kiện văn hóa Việt Nam, ngoài lý do về sức khỏe, thì tình dục luôn được quan trọng hóa như một nét đẹp, sự ràng buộc đời sống tình yêu, hôn nhân và trách nhiệm. Không chỉ quan niệm xã hội, gia đình ràng buộc điều đó, mà ngay bản chất tự nhiên của tình yêu, tình dục con người cũng đã chứng minh điều này. Con người Việt Nam thiên về yếu tố tình cảm nhiều hơn và tình cảm là điều kiện cần và đủ cho các hoạt động tình dục.

Văn hóa Việt Nam luôn coi trong yếu tố luân lý và tình cảm. Do vậy việc quan hệ bừa bãi là điều khó chấp nhận. Bởi nếu chấp nhận việc quan hệ tự do, bừa bãi (trong chừng mực tuổi tác và điều kiện xã hội) không kiềm chế hoặc có những định chế xã hội nhất định, dần dần tình dục sẽ trở thành một trò chơi đáp ứng nhu cầu bản năng. Khi đó, yếu tố tình cảm đương nhiên sẽ bị coi nhẹ, quan hệ gia đình, vợ chồng sẽ bị xem thường.

Đành rằng đó cũng là một nhu cầu chính đáng khi con người đến tuổi trưởng thành. Nhưng không phải bất cứ nhu cầu nào của con người cũng phải được đáp ứng và đáp ứng ngay lập tức. Một người có thể uống rượu như một nhu cầu thư giãn cho cơ thể sau một ngày lao động mệt nhọc, trước bữa ăn để có lợi cho sức khỏe.

Song không phải tuổi nào cũng nên uống rượu và có thể uống rượu, bởi nó không phù hợp và không có lợi cho cơ thể, hoàn cảnh của người đó. Nếu chúng ta thấy một đứa bé ngồi uống rượu như người lớn, chắc hẳn đó là điều khó chấp nhận ở xã hội Việt Nam. Nếu mọi nhu cầu cần được đáp ứng ngay, con người chắc sẽ khó có thể tiến bộ trong đời sống cá nhân cũng như trong các hoạt động xã hội.

Nhiều người cho rằng, lấy xã hội phương Tây là những nơi văn minh làm tiêu chuẩn, cuộc cách mạng tình dục đã xảy ra và chuyện quan hệ tình dục là hoàn toàn thoải mái miễn đảm bảo yếu tố an toàn, tại sao chúng ta không nên học theo họ áp dụng vào đời sống Việt Nam cho gia đình và xã hội ngày càng văn minh hơn? Thực tế chứng minh rằng, sau cuộc cách mạng tình dục, thì dần dần các nước Phương Tây lại trở về truyền thống nhân loại là gia đình. Yếu tố gia đình ngày càng được coi trọng và quan hệ tình dục sau những cơn bùng nổ có tính chất "cách mạng" dịu lại, thì lại dần dần trở về trạng thái cũ.

Mặt khác, ngoài yếu tố vật chất, thì đời sống văn hóa như xã hội Mỹ khác với Việt Nam như hai trạng thái không cùng thứ nguyên. Ở đó, sự tự do của con người được tôn trọng cao độ và chính bản thân mỗi người có trách nhiệm rất cao với bản thân mình và xã hội. Ngoài ra, yếu tố tình cảm của họ có những nét văn hóa khác hoàn toàn người Việt Nam. Chúng ta có thể thấy ở Việt Nam những gia đình "tứ đại đồng đường" - nghĩa là bốn thế hệ cùng chung sống gồm ông bà, bố mẹ, con và cháu - song ở Mỹ điều này là cực hiếm hoi nếu không muốn nói là không có.

Thậm chí, người Việt Nam chắc sẽ khó chấp nhận khi bố mẹ già nếu không sống với nhau, thì đưa vào nhà dưỡng lão vì ở đó người già được chăm sóc còn tốt hơn. Nhưng ở Mỹ điều đó là hoàn toàn tự nhiên. Cũng tương tự, ở Việt Nam, sự chênh lệch về tuổi tác và hoàn cảnh giữa hai vợ chồng là điều luôn được đặt nặng trong vấn đề hôn nhân, nhưng ở Mỹ, điều đó là bình thường, miễn là hai bên muốn sống cùng nhau.

Một lần, tôi đến nhà một người quen ở California, đây là gia đình một người đã từng định cư ở Mỹ từ trước những năm 1970. Chủ nhà là người Việt kể cho tôi nghe rằng: Chồng bà mất tích để lại cho bà 4 người con. Năm 1968, bà gặp một người lính Mỹ đến Việt Nam, là một thanh niên mới đi nghĩa vụ quân sự, chưa hề lập gia đình. Hai người lấy nhau và sau khi hết hạn quân dịch tại Việt Nam, ông đưa bà về Mỹ. Bốn đứa con đi cùng, hai người có thêm một người con duy nhất sau đó. Năm đứa con vừa riêng vừa chung được ông quý như nhau.

Khi về Mỹ sinh sống, điều bà sốc nhất là cách sống của người Mỹ. Con gái lớn sau 14 tuổi, có thể chọn bạn trai và đưa về nhà ở phòng riêng mình tùy thích, bố mẹ hoàn toàn không có quyền ngăn cản. Nếu xâm phạm tự do, đánh mắng nó chẳng hạn, thì nó có thể gọi cảnh sát đến đưa bố mẹ về đồn. Từ chỗ khó chấp nhận, dần dần bà phải chấp nhận cách sống của xã hội Mỹ, nhưng đến khi gặp tôi, bà vẫn ấm ức dù đã hơn 40 năm sống trên đất Mỹ. Hiện nay, các con bà đã lớn và ở các thành phố khác nhau, khi đến thăm ông bà sẽ có kế hoạch trước.

Một xã hội có một nền văn hóa khác nhau, vì vậy không thể đem áp dụng cách hành xử của nền văn hóa này cho nền văn hóa khác một cách máy móc.

Vấn đề đặt ra, là vấn nạn "không vẽ đường thì hươu vẫn chạy" sẽ phải giải quyết như thế nào? Điều này cần sự đồng thuận của xã hội, cần có cách giáo dục giới tính đúng đắn, phù hợp với văn hóa xã hội, có thái độ dứt khoát với các tệ nạn, các điều kiện có thể tha hóa tuổi trẻ, đi ngược với đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam. Cần lên án nghiêm khắc với tệ nạn nạo thai chui, coi đời sống, sinh linh con người không có giá trị, chỉ nhằm khai thác sự thỏa mãn tình dục nơi lớp trẻ, dẫn họ đến sự ích kỷ, coi nhẹ và làm suy đồi đạo đức xã hội.

Nguyễn Thị Hằng (Hoàng Mai, Hà Nội)