Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm, TP.HCM có tỷ lệ căn hộ giao dịch thành công giảm khoảng 60% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại Bình Dương, tỷ lệ này tăng tới 276%. Hay tại Quy Nhơn, giá đất nền vẫn giữ ở mức cao và có khu vực tăng gấp đôi so với thời điểm giữa năm 2019. Tại Hạ Long, nhiều dự án đô thị và nghỉ dưỡng chứng kiến tỷ lệ hấp thụ kỷ lục giai đoạn quý IV/2020, thậm chí có dự án đô thị tại Cao Xanh - Hà Khánh báo cáo hấp thụ 100% quỹ căn mở bán.
Những con số này cho thấy gam màu tươi sáng vẫn đang hiện diện tại nhiều thị trường mới, những khu vực được đánh giá là “miễn nhiễm” với Covid - 19.
Phù hợp với xu thế này, ông Trần Như Trung, Tổng Giám đốc CTCP Phát triển và Tăng trưởng Xanh-Edge cho biết khi phân tích hàng chục triệu dữ liệu phản ánh hành vi nhà đầu tư cá nhân, ông nhận ra sự sụt giảm mạnh mẽ ở các thị trường đầu tư truyền thống. Ở một số thời điểm nhất định, mức độ sụt giảm của các thị trường này xấp xỉ 60-70%. Thay vào đó là sự gia tăng của các thị trường ven đô.
Thực tế, xu hướng ly tâm để dịch chuyển về các thị trường mới đã diễn ra trong nhiều năm nay và dự kiến sẽ không giảm tốc trong 2021, đặc biệt tại những điểm sáng như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hạ Long (miền Bắc); Phan Thiết (Bình Thuận), Tuy Hòa (Phú Yên), Quy Nhơn (Bình Định), Thanh Hóa (miền Trung); Bình Dương, Long An, Đồng Nai (miền Nam)…
Sầm Sơn, một trong những thị trường mới được chú ý trong các năm gần đây |
“Mưa thuận gió hoà” hơn về pháp lý
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở của CBRE, những thị trường như Bình Dương, Đồng Nai tăng tốc một phần đến từ việc các chủ đầu tư đang gặp khó trong việc phát triển dự án tại TP.HCM do vướng mắc thủ tục pháp lý.
“Đất lành thì chim đậu. Doanh nghiệp cũng phải chạy đi tìm đất lành, tìm cách để sinh tồn. Ở đâu có quỹ đất, nhu cầu thì doanh nghiệp sẽ đầu tư”, chuyên gia bình luận.
Đồng quan điểm, Giám đốc cao cấp của Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương dẫn chứng một doanh nghiệp mất 2-3 năm từ lúc được chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi được phê duyệt quy hoạch 1/500. Sau đó, mất thêm ít nhất 6 tháng xác định nghĩa vụ tài chính trong trường hợp các sở, ngành của địa phương đồng thuận. Nếu không, thời gian lại càng kéo dài.
“ Nhiều doanh nghiệp muốn đóng tiền sử dụng đất để hoàn thiện pháp lý mà không được. Do đó, các chủ đầu tư phải tìm kiếm những địa điểm “mưa thuận gió hòa” để có thể triển khai dự án, tận dụng cơ hội kinh doanh”, ông Khương nói.
Pháp lý thúc đẩy xu hướng bất động sản “ly tâm” |
Bứt phá hạ tầng
Trong vài năm trở lại đây, hạ tầng giao thông kết nối giữa địa phương với các khu vực trung tâm ngày một phát triển giúp cho việc đi lại trở nên thuận tiện hơn, càng tạo lực đẩy cho nhà đầu tư mạnh dạn đón sóng ở các thị trường mới nổi.
“Tôi vào thị trường bất động sản Quy Nhơn khoảng 5 năm trước. Khi đó, không nhà đầu tư nào đến đây làm du lịch, nhưng tôi nhìn thấy con đường dẫn về bãi biển Nhơn Lý đã được tỉnh đầu tư rất đẹp, rất thông thoáng. Có thể nói giao thông và kết nối hạ tầng tại Quy Nhơn là một trong những lý do quan trọng để chúng tôi quyết định đầu tư”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC - một trong những nhà đầu tư địa ốc tiên phong tại Bình Định cho hay.
Đơn vị này vừa khánh thành một dự án khách sạn 1500 phòng quy mô lớn nhất Việt Nam tại khu vực quần thể FLC Quy Nhơn đồng thời tiến hành bàn giao tại một dự án tháp đôi khác tại trung tâm thành phố cũng trong thời gian vừa qua.
Hai khách sạn quy mô của Tập đoàn FLC tại khu vực ven biển Nhơn Lý (Quy Nhơn) |
Điểm lại những dự án hạ tầng kết nối các thành thị trung tâm và các địa phương, Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh thông tin trong năm 2020 có 10 dự án giao thông lớn được khởi công như cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45; cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; đường Hồ Chí Minh đoạn tránh TP. Buôn Ma Thuật; dự án tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ….
"Những dự án giao thông lớn có tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản ở cả 3 miền. Năm 2021, thị trường sẽ có những biến chuyển tích cực cùng hệ thống hạ tầng giao thông này", ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.
Có thể thấy, với chi phí đầu tư còn tương đối rẻ và kết nối hạ tầng ngày càng đồng bộ, sự bứt phá của những thị trường mới trong giai đoạn 2021 là điều dễ đoán.
Tuy nhiên, thị trường nào sẽ trở thành “ngôi sao” dẫn dắt thị trường? Các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư cần làm gì để nắm bắt cơ hội phục hồi và đón đầu giai đoạn phát triển mới này? Những câu hỏi cấp thiết này sẽ được bàn luận, phân tích kĩ lưỡng để tìm ra lời giải tại tọa đàm “Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới” diễn ra trong ngày 5/1 tới đây tại FLC Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc).
Tại tọa đàm, các diễn giả sẽ phân tích, đánh giá chung về bức tranh toàn cảnh của bất động sản ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là các điểm sáng được dự báo thúc đẩy thị trường 2021. Bên cạnh đó, các chuyên gia và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn cũng sẽ cùng phân tích diễn biến các phân khúc cụ thể, tiềm năng, nguồn cung, cơ hội đầu tư và thị hiếu tại mỗi phân khúc trong ngắn và dài hạn, đồng thời đưa ra những tư vấn, khuyến nghị cần thiết cho nhà đầu tư trong thời gian tới.
Thúy Ngà