Thị trường bất động sản Đà Nẵng đã và đang chứng kiến những thương vụ chuyển nhượng có quy mô lớn, với hàng loạt dự án nghỉ dưỡng có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng sau những vụ chuyển nhượng đình đám ấy, chỉ duy nhất 1 thương vụ thực hiện nghĩa vụ thuế.
Hyatt Regency, một trong những dự án chuyển nhượng với giá trị rất lớn, nhưng Đà Nẵng không thu được thuế. |
Làn sóng chuyển nhượng dự án bất động sản
Thương vụ ngàn tỷ đáng chú ý nhất thời gian qua tại TP. Đà Nẵng được cho là Dự án Hyatt Regency, với quy mô 400 biệt thự, phòng khách sạn và căn hộ được Tập đoàn Indochina Land bán cho Gaw Capital. Khu resort này một mặt nằm trên đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn) và một mặt tiếp giáp với bãi biển, là một trong 4 dự án mà Indochina Land bán cho Gaw Capital hồi năm ngoái. Ngoài ra, Indochina Land còn sang nhượng lại sân golf đang khai thác là Montgomerie Links cùng 66 khu biệt thự cao cấp với giá 25,5 triệu USD.
VinaCapital được xem là “vua” đất ven biển Đà Nẵng cũng đang thoái vốn và chuyển nhượng hàng loạt dự án, trong đó đáng chú ý là 2 thương vụ: “sang tay” sân golf 18 lỗ Danang Golf Club với giá hơn 12 triệu USD và Dự án Marina Complex nằm ngay bờ sông Hàn, với quy mô 17,6 ha cho Quốc Cường Gia Lai hồi cuối tháng 2/2016. Ngoài ra, một số dự án bất động sản khác tại Đà Nẵng của quỹ đầu tư này có tổng vốn đầu tư tại thời điểm công bố lên đến 325 triệu USD cũng đã được bán cho World Trade Centre.
Một thương vụ đình đám khác được nhắc đến “con đường dịch chuyển dích dắc” của Khách sạn One Poera Danang (tiêu chuẩn 5 sao, quy mô 200 phòng tiêu chuẩn), xuất phát từ Hoàng Anh Gia Lai, sau đó qua tay một đại gia với giá 31,4 triệu USD. Khách sạn này có điểm đến mới là nhà đầu tư Success Dragon. Ngoài ra, mới đây, cao ốc Indochina Riverside (74 - đường Bạch Đằng) cũng được VinaIndochina sang tên cho nhà đầu tư Kajima.
Theo thống kê của cơ quan thuế TP. Đà Nẵng, một số đơn vị đã nộp thuế như Công ty TNHH Sân golf VinaCapital nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng vốn là 178,6 tỷ đồng; tiền thuê đất nộp một lần của Công ty TNHH Sân golf VinaCapital và Công ty TNHH Mega Assets là 103,6 tỷ đồng… Tuy nhiên, có những dự án được nhà đầu tư chuyển nhượng, nhưng cơ quan thuế không thu được đồng nào.
Đơn cử, Dự án Hyatt Regency được thực hiện chuyển nhượng qua giao dịch của công ty mẹ (có trụ sở ở nước ngoài) với đối tác cũng không có trụ sở tại Việt Nam, cho nên, dù giá chuyển nhượng của dự án lên tới 1.000 tỷ đồng, song cơ quan thuế Việt Nam không thể thu thuế. “Đây là lỗ hổng rất lớn của luật pháp. Chúng tôi kiến nghị, khi doanh nghiệp thay đổi cổ đông thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ thuế”, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng nêu quan điểm.
Cần sửa đổi, bổ sung luật
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng Trần Văn Sơn cũng cho biết thêm, nhiều lỗ hổng pháp luật đang gây khó cho địa phương trong việc quản lý, thu thuế. Chẳng hạn, việc không ghi cổ đông trong giấy chứng nhận đầu tư, khiến Thành phố thất thoát khoản thu thuế lớn khi doanh nghiệp thực hiện việc chuyển nhượng.
Theo ông Sơn, thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài đã vận dụng các điều khoản tại các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Doanh nghiệp về quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia sở hữu đất tại TP. Đà Nẵng. Sau khi có quyền sở hữu đất tại Thành phố, nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty con thực hiện dự án (phổ biến nhất là loại hình dự án bất động sản, du lịch). Sau đó, nhà đầu tư này chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác thông qua việc thay đổi chủ sở hữu công ty mẹ ở nước ngoài mà không làm thay đổi pháp nhân công ty con tại Việt Nam. Việc chuyển nhượng như vậy đang ở mức độ khá phổ biến, nhưng do luật hiện hành của Việt Nam chưa quy định về nghĩa vụ thuế đối với việc chuyển đổi cổ đông, chủ sở hữu, nên Đà Nẵng nói riêng và các địa phương khác nói chung không thu được thuế từ hoạt động này.
Để chống thất thu thuế từ việc chuyển nhượng các dự án FDI, thực hiện Công văn 3148/BTNMT-TTr (ngày 1/8/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường) về thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp, Cục Thuế Đà Nẵng và UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các phòng công chứng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn thi hành.
“Chính phủ cần xem xét đề nghị Quốc hội bổ sung quy định đối với việc mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu dự án có sử dụng đất thì cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức thẩm định và lấy ý kiến các cơ quan có liên quan theo quy định, trước khi thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư nước ngoài”, một lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị.
Theo Báo Đầu tư