Sẵn sàng cho sự hồi phục của du lịch
Những ngày gần đây, câu hỏi khi nào Việt Nam mở cửa du lịch đang trở thành đề tài nóng được bàn luận sôi nổi.
Ông Trần Trọng Kiên, Thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), chia sẻ: “Việc mở cửa đất nước đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Chính phủ tập trung phục hồi nền kinh tế và đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 4,5% trong năm 2020. Mở cửa cho khách quốc tế có nghĩa là cho phép và tạo thuận lợi cho khách nước ngoài đến Việt Nam và người Việt Nam đi ra nước ngoài, cho phép mở đường bay kết nối các thành phố trong nước và quốc tế. Mở cửa cho du lịch là bước đi đầu tiên để đảm bảo mở cửa cho đầu tư, thương mại và các hợp tác khác.
Việt Nam nên xây dựng các phương án mở cửa với toàn thế giới dựa trên phân tích dữ liệu về rủi ro lây nhiễm cộng đồng của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau…”
Sân bay trong nước bắt đầu đón nhiều hành khách |
Ông Kiên đưa ra khuyến nghị nên cân nhắc mở cửa với Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan và môt số tỉnh của Trung Quốc. Việc mở cửa với các điểm đến này có thể sớm trở thành hiện thực nếu như có các đàm phán song phương về một hành lang an toàn.
Hiện nay, các hãng hàng không đã sẵn sàng mở lại đường bay quốc tế bất kể lúc nào khi được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam cấp phép.
Bất động sản nghỉ dưỡng có sức bật mới
Truyền thông quốc tế tiếp tục đề cao Việt Nam khống chế dịch bệnh Covid-19 và bắt đầu trở lại nếp sống yên bình, yếu tố này giúp Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy đối với giới đầu tư, tạo thuận lợi cho quá trình khôi phục sản xuất sau đại dịch. Từ đó, ngành du lịch và đầu tư bất động sản du lịch có cơ hội tăng trưởng mạnh.
Đón sóng đầu tư như thế nào sau đại dịch đang là tâm điểm bàn luận trên các diễn đàn |
Ngay đầu tháng 6/2020, những dự án bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu chiến dịch quảng bá và mở bán. Có thể kể đến hàng loạt dự án ở Quảng Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết …
Theo dự báo mới nhất của DKRA, nguồn cung căn hộ condotel có thể tăng mạnh trong thời gian tới. Điển hình, tại thị trường Khánh Hòa, dự kiến từ 3 đến 5 năm nữa, sẽ đưa ra thị trường khoảng 17.000 sản phẩm nghỉ dưỡng (trong đó có khoảng 15.500 căn hộ condotel).
Bất động sản vượt khó qua đại dịch
Trong lúc phân khúc bất động sản du lịch tràn đầy niềm tin vào thời kỳ hậu Covid-19 thì các phân khúc khác đang phân vân với nhiều kịch bản và lựa chọn.
Tại tọa đàm "Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới", các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định về thị trường sau dịch Covid-19, nhiều định hướng cho rằng bất động sản công nghiệp sẽ khởi sắc.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì những khó khăn của thị trường ở thời điểm hiện tại khác với những khó khăn mà thị trường phải đối mặt của 10 năm trước. Cuộc khủng hoảng bất động sản 10 năm trước có căn nguyên là sự dư thừa nguồn cung, trong khi thị trường hiện tại lại đang thiếu nguồn hàng do động thái kiểm soát nghiêm ngặt của cơ quan chức năng về việc cấp phép và siết tín dụng bất động sản. Đồng thời, trong phát triển sản phẩm nhà ở, cần suy tính đến nhu cầu tương lai với xu hướng nâng cao chất lượng như phát triển nhà thông minh, công trình xanh.
Bày tỏ quan điểm về xu hướng thị trường trong tương lai, ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng trong ngắn hạn thì hết năm nay có thể thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Hiện thị trường đang có nhiều kênh đầu tư tốt hơn và người dân vẫn có tâm lý chờ bất động sản xuống giá. Về dài hạn, bất động sản sẽ vẫn là kênh đầu tư tiềm năng do dân số trẻ, nhu cầu nhà ở lớn và mức sống của người dân ngày càng một nâng cao.
Anh Tú