Chỉ cách đây không lâu, khi thị trường địa ốc rơi vào suy thoái, nhiều dự án bị đình trệ, không thể triển khai, ước nguyện lớn nhất của hầu hết khách hàng mua nhà là đòi được nhà theo đúng lời hứa mà chủ đầu tư đã đưa ra, thậm chí có chậm trễ dăm ba tháng mà có căn hộ thì cũng là may mắn lắm rồi.
Không thể đòi được nhà, nhiều khách hàng chuyển sang đòi tiền góp vốn. Tuy nhiên, khi thị trường địa ốc khó khăn, doanh nghiệp rơi vào thế bí, thì việc đòi nhà hay đòi tiền nhiều khi đều bất khả thi. Khách hàng như “chim sợ cành cong” khi chứng kiến các dự án có tiến độ xây dựng ì ạch hoặc chủ đầu tư từng có “tiền sử” bê trễ.
Chính vì vậy, khi thị trường địa ốc dần phục hồi trở lại, các doanh nghiệp muốn bán được hàng hoặc muốn khẳng định uy tín, tiềm lực của mình đều thông qua hình ảnh về tiến độ dự án trên công trường. Chẳng hạn, các dự án do Tập đoàn Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản triển khai luôn đắt hàng. Bất chấp tiền chênh căn hộ lên đến cả trăm triệu đồng, nhưng khách hàng vẫn tranh mua, bởi doanh nghiệp này đã khẳng định được tiến độ dự án như là một thương hiệu của mình.
Tại Hà Nội và TP. HCM, chuyện khoe tiến độ công trình dự án gần đây nở rộ. Hầu như dự án nào bán hàng cũng coi việc vượt tiến độ hoàn thiện, khởi công… là tiêu chí “buộc phải có”. Một số dự án còn lắp camera trực tuyến, để khách hàng và nhà đầu tư có thể theo dõi tiến độ công trình ở bất cứ đâu.
Tuy nhiên, cũng từ cuộc đua này, đã có những câu chuyện chín ép xảy ra.
Chẳng hạn, tại TP. HCM, một dự án thuộc khu vực quận 2 mới đây bất ngờ quảng bá rầm rộ về việc dự án sẽ cất nóc sớm hơn dự kiến. Người mua những tưởng sẽ ngay lập tức được chứng kiến dự án đi vào giai đoạn hoàn thiện. Nhưng hỏi kỹ lại thì được chủ đầu tư cho biết, vẫn là vượt tiến độ dự kiến, nhưng lễ cất nóc thực tế phải đến cuối năm nay mới diễn ra.
Còn tại Hà Nội, việc quảng bá tiến độ dự án như một chiêu hút khách còn có phần sôi động hơn, khi hàng loạt doanh nghiệp “lên chương trình” ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án, đến khi doanh nghiệp bán hết hàng.
Cụ thể, một dự án tại quận Nam Từ Liêm mới đây, dù mới đang trong giai đoạn khoan cọc nhồi và làm phần hầm dự án, dự kiến phải đến cuối năm mới đủ điều kiện bán hàng, cũng không ngớt quảng bá dự án có tiến độ thi công nhanh vượt trội và đang thu hút sự quan tâm của khách hàng. Thậm chí, có dự án tại khu vực này, chủ đầu tư vì muốn đẩy nhanh tiến độ, vừa để quảng bá, vừa mau được bán hàng, đã chấp nhận vi phạm pháp luật, thi công khi chưa được nhận đầy đủ giấy phép.
Và chuyện tại dự án này không hề là cá biệt trong bối cảnh hiện tại!
Việc quảng bá tiến độ dự án, doanh nghiệp dường như muốn đánh vào tâm lý người mua nhà, sau thời kỳ khách hàng phải khốn đốn đòi nhà vì thị trường suy thoái, rằng: doanh nghiệp đang nghiêm túc thực hiện dự án, hoặc đủ năng lực thực hiện dự án bàn giao nhà cho khách hàng.
Thông điệp này là tích cực, không có gì đáng bàn cãi. Thế nhưng, không phải chủ đầu tư nào cũng có đủ năng lực thực hiện lời hứa vượt tiến độ của mình. Câu chuyện về dự án Sky Garden (quận Hoàng Mai) là một ví dụ điển hình, khi chủ đầu tư dự án này tái khởi động dự án, quảng bá bán hàng bằng việc lắp camera đến tận chân công trình để khách hàng có thể cập nhật trực tuyến tiến độ dự án qua mạng internet. Thế nhưng, với năng lực tài chính có nhiều vấn đề của chủ đầu tư, dự án nhanh chóng rơi vào bế tắc và không thể tiếp tục triển khai, dù doanh nghiệp này đã bán được một số lượng căn hộ đáng kể.
Chuyện hứa mà không thể làm có thể phát sinh nhiều hệ lụy. Từ việc làm mất lòng tin của khách hàng, tiếng xấu của chủ đầu tư trên thị trường, thậm chí là nguy cơ bùng phát khiếu kiện của người mua nhà.
Theo Trọng Tuyến (Đầu tư Bất động sản)
Các ý kiến phản hồi về bài viết, câu hỏi tư vấn, phân tích, đánh giá các dự án vui lòng gửi về email: vland@vietnamnet.vn |