Theo đó, phụ nữ Trung Hoa thời này không trực tiếp tiếp xúc với thầy lang. Thay vào đó, người phụ nữ ngồi sau một tấm rèm, màn tre, thò tay ra ngoài hoặc nhờ người hầu cận chỉ về phía cơ thể của một con búp bê để nói lên triệu chứng của mình.
Nếu bệnh nhân khó thở, có thể chỉ một ngón tay dọc theo ngực của búp bê. Nếu đau đầu chỉ vào tóc của búp bê. Qua hình thức liên lạc này, thầy lang sẽ chẩn đoán bệnh.
Trong bài luận Chinese Medicine Dolls năm 1952, nhà nghiên cứu sử học y khoa Howard Dittrick cho hay, trong giai đoạn cuối cùng của triều đại nhà Thanh ở Trung Quốc, những con búp bê y học được chạm khắc phức tạp này là lựa chọn duy nhất của một người phụ nữ ốm yếu.
Tại thời điểm đó, Trung Quốc chỉ cho phép đàn ông làm bác sĩ. Năm 1879, bệnh viện Canton Missionary trở thành tổ chức y tế đầu tiên tiếp nhận đào tạo sinh viên nữ. Quyết định này được đưa ra không phải vì bình đẳng giới, mà để giữ vững quan điểm không để bác sĩ nam chạm vào bệnh nhân nữ.
Búp bê chẩn đoán của Trung Quốc mô phỏng một phụ nữ nằm nghiêng, thường khỏa thân, tay đeo vòng và đôi khi cầm quạt. Hầu hết các con búp bê này được chạm khắc từ ngà voi. Chúng cũng có thể được điêu khắc bằng ngọc bích, hổ phách, đồng, gỗ.
Ông Dittrick cho biết, tất cả các con búp bê đều có cùng tư thế, đầu gác lên tay trái, tay phải rũ xuống. Búp bê cho phụ nữ trưởng thành có tóc búi cao. Búp bê cho bé gái có bím tóc hoặc tóc đuôi ngựa. Người chạm khắc búp bê cũng thường mô tả phụ nữ với đôi chân bị bó búp sen - một tục lệ đau đớn của phụ nữ Trung Hoa xưa.
Một con búp bê chẩn đoán nằm trên một chiếc ghế dài thu nhỏ.
Phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu có thể mang những con búp bê xinh đẹp, được "thửa" riêng. Tong khi phụ nữ nghèo hơn phải chẩn đoán với búp bê của chính bác sĩ, thô sơ hơn.
Những mẫu búp bê y tế càng sang trọng thì độ phức tạp càng cao. Ví dụ búp bê dưới triều nhà Minh nằm nghiêng mình trên ghế thu nhỏ, có đệm xanh, một vài mẫu có cả gối lụa và khăn thêu. Để tránh hẳn việc phải đi lại và gặp gỡ, những phụ nữ giàu có đánh dấu lên cơ thể búp bê bằng mực Ấn Độ hoặc than, sau đó cử người hầu mang búp bê tới cho thầy thuốc.
"Các thầy lang Trung Quốc không thấy có vấn đề gì trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân qua búp bê ngà. Trên thực tế, bệnh nhân nam cũng thăm khám tương tự dù họ không có vấn đề gì với việc thay đồ trước bác sĩ. Nhưng những bác sĩ giỏi thấy việc tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người khác là không xứng với chức vị của họ" - bà Shing-ting Lin viết.
Tuy nhiên, một con búp bê ngà không thể nói lên hết sự quan tâm của nữ giới với những vấn đề sức khoẻ. Vì thế, những bệnh phụ khoa hoặc sản khoa cần có sự trợ giúp của bà đỡ hoặc người hầu.