Cả những thị trường không có truyền thống uống rượu vang như Hàn Quốc và Nigeria cũng chứng kiến mức tăng tiêu thụ rất ấn tượng. Các nhà sản xuất rượu vang chân chính không thể nào đáp ứng nổi nhu cầu. Điều này khiến cho vấn nạn lừa đảo trong ngành rượu vang thế giới trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.
Không biết đường nào mà lần
Chuyên gia nếm rượu William Edgerton là giám đốc công ty kiểm chứng và đấu giá rượu vang Wine Auction Prices (Mỹ). Ông nói với tờ The Guardian: “Đúng là giữa rượu giả và rượu thật có hương vị khác nhau, nhưng khoảng cách giữa chúng ngắn hơn nhiều người nghĩ. Những cải tiến trong việc nuôi trồng và chế biến nho cho phép nhà sản xuất tái tạo lại những yếu tố làm nên hương vị các loại rượu vang lâu đời”.
Vào năm 2019, đài truyền hình CBC của Canada có làm một cuộc thử nghiệm nhằm xem khả năng phân biệt rượu vang của người thường khác với chuyên gia nếm rượu đến bao nhiêu. Họ cho hai nhóm người tham gia uống thử những chai rượu đã được bóc hết nhãn mác. Kết quả là nhóm các vị chuyên gia cũng chỉ phát hiện được nhiều hơn 3 chai rượu giả so với nhóm người thường. Hương vị của các loại rượu giả ngày nay giống với rượu thật đến mức cả giới chuyên gia cũng dễ bị nhầm lẫn.
Ông Frank Martell, chuyên gia về rượu cho nhà bán đấu giá Heritage Auctions, nhận xét: “Nhiều người vẫn còn giữ suy nghĩ rằng rượu phải có thương hiệu gia truyền và giá thật cao thì mới ngon. Điều này ngày nay không còn đúng nữa. Nền tảng kiến thức, công nghệ sản xuất của người sản xuất hiện đại cho phép họ làm ra những mẻ rượu ngon mà không đắt tiền. Người ta làm rượu giả thương hiệu khác cũng một phần vì tâm lý “sành điệu” của khách uống”.
Ông Martell từng làm cố vấn cho cảnh sát Anh trong một vụ phá án làm giả thương hiệu rượu vang Jacobs Creek nhập khẩu từ Úc. Theo ông thì: “Vỏ chai và nút là những yếu tố người kiểm chứng rượu luôn phải xét đến. Những chai rượu giả mà cảnh sát thu giữ được có chất lượng mẫu mã in ấn và thủy tinh làm vỏ chai không kém gì mất so với hàng thật. Tôi chỉ nhận ra điểm khác biệt khi kiểm tra nút chai. Nút chai rượu giả được làm từ một thứ nhựa, trong khi rượu Jacobs Creek thật luôn dùng nút làm từ cây bần.”
Cảnh sát các nước châu Âu lâu nay đã bỏ nhiều công sức truy tìm những cơ sở chuyên sản xuất vỏ chai rượu giả cổ. Chỉ vừa mới đây thôi cảnh sát Tây Ban Nha đã tìm ra được một dây chuyền làm vỏ chai giả các thương hiệu ở vùng Rioja, xứ Basque. Các đối tượng làm giả còn thuê cả họa sỹ chuyên nghiệp để làm giả các yếu tố thời gian trên nhãn mác vỏ chai.
Một trường hợp khác khiến ngành rượu vang châu Âu rúng động gần đây là vụ bắt hàng loạt những lô hàng rượu giả sản xuất tại Anh. Câu chuyện có liên quan đến khủng hoảng biến đổi khí hậu và tác động của nó lên ngành trồng nho. Thời tiết nóng lên khiến nho trồng ở Pháp hỏng quá nhanh. Nông dân ở những vùng như Champagne (quê hương của rượu sâm-panh) có năm mất đến 90% vụ thu hoạch nho. Trái lại, nước Anh vốn xưa nay ẩm ướt thì bây giờ lại có mùa hè ấm áp kéo dài, thích hợp cho việc trồng nho và sản xuất rượu.
Chuyên gia Frank Martell giải thích: “Không phải nhà sản xuất rượu nào ở Anh cũng tự tin về thương hiệu của mình, vì vậy họ nghĩ ra cách đóng nhãn những loại rượu Pháp trên sản phẩm. Tôi chắc chắn rằng một phần không nhỏ những chai rượu Pháp được bán ở châu Âu có xuất xứ từ Anh.”
Sau khi hải quan Pháp thu giữ một lô gần 300 chai rượu vang giả được nhập khẩu từ Anh, đã có nhiều tiếng nói gây áp lực lên Paris. Bà Christine Piot là thế hệ thứ 10 trong gia đình làm rượu Champagne Piot Sevillano lừng danh. Bà phàn nàn: “Trong khi các chủ trang trại chúng tôi khốn đốn vì không có đủ nho để làm rượu thì người Anh lại có thể tự do kinh doanh trên danh tiếng của chúng tôi. Nếu chính phủ cứ để tình trạng này diễn ra thì chúng tôi chỉ còn mỗi một sự lựa chọn là đóng cửa”.
Xu hướng đáng lo ngại
Khi nhắc đến rượu giả, báo chí thường hay nói đến những kẻ như Rudy Kurniawan. Vào năm 2000, Kurniawan từ Jakarta, Indonesia chuyển đến sống tại Los Angeles, Mỹ. Không biết nhờ đâu mà y vay mượn được một số tiền lớn để mua những chai rượu quý hàng chục năm tuổi. “Tiếng lành đồn xa”, từ giới thượng lưu Mỹ coi Kurniawan như một chuyên gia hàng đầu về rượu. Cho đến năm 2006, y đã bán được khoảng 24,7 triệu USD tiền rượu giả. Phải mất nhiều năm sau khách hàng của Kurniawan mới phát hiện ra họ bị y bán thứ rượu giả đựng trong vỏ chai cũ được “cải biến” lại. Kẻ lừa đảo sau đó bị toà án Mỹ kết án 10 năm tù.
Rudy Kurniawan không phải kẻ đầu tiên sử dụng phương thức lừa đảo như vậy. Vào thập niên 1980, Hardy Rodenstock là cái tên mà bất cứ người sưu tập rượu tại châu Âu nào cũng biết. Ông ta nổi tiếng vì có tài tìm được những chai rượu hiếm “có một không hai” và rồi mở các bữa tiệc nếm rượu cho giới tỷ phú. Thậm chí Rodenstock còn từng tìm được một chai rượu 1787 Château Lafite nằm trong bộ sưu tập của cố Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson. Chai Château Lafite sau đó được bán lại cho tỷ phú Chirstopher Forbes (Phó chủ tịch tờ tạp chí Forbes nổi tiếng) với giá 105.000 bảng Anh. Một số chai khác cũng của Thomas Jefferson được Rodenstock “dành lại” cho tỷ phú dầu mỏ Mỹ Bill Koch.
Koch và Forbes sau đó đem những chai rượu mua được đi kiểm tra. Họ phát hiện ra đúng vỏ chai rượu là đồ cổ, nhưng rồi phát hiện ra nó là giả bởi một số những chữ trên vỏ chai được cắt bằng khoan điện. Hai người họ sau đó đã đâm đơn kiện Rodenstock ra tòa. Vấn đề là Rodenstock là công dân Đức, bán chai rượu thông qua nhà đấu giá Anh, mà Bill Koch lại đâm đơn kiện ở nơi ông ta sống là thành phố New York, Mỹ. Tòa án Mỹ không thể nào xét xử công dân Đức được. Vụ kiện vẫn còn kéo dài lùm xùm đến tận ngày nay. Có thông tin rằng kênh truyền hình HBO đã mua bản quyền sản xuất một bộ phim dựa trên vụ kiện.
Quay trở lại câu chuyện rượu giả. Một xu hướng đáng chú ý là những đối tượng làm giả rượu đang tập trung mạnh vào phân khúc phổ thông. Bà Maureen Downey, chuyên gia giám định rượu và sáng lập viên trang web Winefraud.com, trả lời phỏng vấn: “Luôn có những kẻ tìm cách lừa các nhà sưu tầm rượu lắm tiền, nhưng phần lớn trong số chúng lại chỉ chuyên làm giả rượu của thương hiệu giá rẻ. Thậm chí chai rượu có giá 15 USD bán ở siêu thị cũng bị chúng cũng làm giả. Lợi nhuận không thể bằng với bán rượu giả cho nhà sưu tầm, nhưng đổi lại chúng ít gặp rủi ro về pháp lý hơn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu uống rượu của người dân tăng cao mà nhiều nhà máy chế biến buộc phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu và nhân công”.
Bà Downey ước tính ngành rượu vang thế giới đang mất khoảng 3 tỷ USD mỗi năm vì những chai rượu giả. Mà theo bà thì phần lớn những chai rượu giả được làm qua loa đến mức ai cũng phát hiện được: “Khách hàng chỉ cần tinh mắt một chút là phát hiện ra ngay những dấu hiệu của rượu giả như nhãn hiệu bị in lệch hay sử dụng nắp vặn thay vì nút chai truyền thống. Một số kẻ làm giả khôn khéo hơn mua những chai rượu giá rẻ sản xuất từ thập niên 1950, 1960 rồi dán nhãn mới, lắp nút mới vào. Những trường hợp này cũng chỉ khó phát hiện hơn chứ không phải không thể”.
Nếu rượu giả dễ phát hiện vậy, tại sao chúng vẫn tràn lan trên thị trường phổ thông? Một số người tiêu dùng nghĩ rằng chất lượng rượu giả cũng không khác rượu thật mấy nên vẫn mua uống. Những người khác thì vì tâm lý sính hàng hiệu nên sẵn sàng mua rượu giả để đem về trưng bày hay làm quà biếu. Mà kể cả có biết là hàng giả đi nữa họ vẫn không chịu nói với ai vì xấu hổ. Nói tóm lại, chính sự dễ dãi của khách hàng đang mở đường sống cho rượu giả.
Đúng như lời nhận xét của nhà chế biến rượu lão thành người Pháp Laurent Ponsot trước tòa án Mỹ trong vụ Rudy Kurniawan, rằng: “Chừng nào chúng tôi còn làm rượu, họ sẽ còn làm rượu giả!”. Có vẻ như cuộc chiến với rượu vang giả sẽ không bao giờ có hồi kết. Cho dù công nghệ kiểm chứng có phát triển đến đâu đi nữa, những kẻ làm rượu giả sẽ vẫn tìm được cách “lách luật” và lừa được người tiêu dùng. Niềm hy vọng duy nhất của các nhà làm rượu chân chính là người tiêu dùng sẽ tỏ ra cảnh giác hơn, và đoạn tuyệt với thói quen dung túng cho thứ rượu giả.
(Theo An ninh thế giới)