Đang là một cán bộ làm khoa học, năm 1993, ông Đỗ Quang Hiển là một trong số ít người bạo gan bỏ biên chế ở Viện nghiên cứu khoa học ra lập doanh nghiệp tư nhân. Sau 20 năm, ông là Chủ tịch tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB, lọt vào tốp những người giàu nhất Việt Nam trên thị trường chứng khoán.

Đường từ khoa học gia đến... đại gia của bầu Hiển

Hồi còn “chong đèn đọc sách”, Đỗ Quang Hiển rất giỏi các môn khoa học tự nhiên; đam mê những định luật, nguyên lý… đến mức có thể ngồi lì cả ngày trời trong phòng để đọc sách, mày mò tìm hiểu những khối kiến thức bất tận của nhân loại. Đó cũng là lý do vì sao Đỗ Quang Hiển trở thành sinh viên khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp.

Sau khi ra trường, giai đoạn những năm 1984-1987, chàng thanh niên Đỗ Quang Hiển đã chọn bến đỗ đầu tiên sau ngày ra trường là Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình, Đài Phát thanh Hà Nội.

Được một thời gian, Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình sáp nhập vào Công ty điện tử Hanel, tạo thêm nhiều cơ hội mới để chàng kỹ sư trẻ khẳng định tài năng của mình.

Sau đó, bầu Hiển lại đi đến một quyết định mới: Gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia. Mơ ước từ thuở còn miệt mài với sách vở giờ mới thực sự trở thành hiện, ông tự nhủ với mình rằng rồi đây sẽ “xuất bản” nhiều công trình mang tầm quốc gia. Kiến thức học được qua sách vở, thu lượm từ những bài giảng và thực tế cuối cùng đã có đất để thực sự “dụng võ”.

Năm 1993, ông rời bỏ công việc của một cán bộ khoa học Nhà nước, bỏ luôn chiếc phao biên chế đang là niềm ao ước của nhiều người lúc đó để ra làm ăn riêng.

T&T khi đó hướng đến việc kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông… được nhiều hãng điện tử Nhật Bản chọn làm đại lý độc quyền.

{keywords}
Bầu Hiển.

Nhưng thời gian này không kéo dài lâu, bởi ông Hiển muốn làm ăn lớn hơn. Vào thời điểm những năm 1999-2000, ông Hiển thành lập Công ty T&T đặt tại Hưng Yên, rồi đầu tư vốn liếng xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện, động cơ xe máy với quy mô thuộc loại lớn lúc ấy.

Khi T&T đã vững vàng trên thị trường điện tử - điện lạnh, Đỗ Quang Hiển bắt đầu tính chuyện “tấn công” sang thị trường xe máy. Nghĩ là làm, ông chủ của T&T bỏ ra 3,5 tỷ đồng đầu tư vào dây chuyền lắp ráp xe máy.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, đầu tư vào mảng lắp ráp xe máy nhanh trở thành “cơn sốt” của gần 60 doanh nghiệp, ông tiếp tục thay đổi hướng kinh doanh cho mình.

Năm 2007 đánh dấu sự tham gia của T&T vào lĩnh vực tài chính với việc tham gia góp vốn và trở thành cổ đông chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Tiền thân của SHB là Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái hoạt động tại Cần Thơ. Bản thân ông Hiển cũng góp vốn và trở thành Chủ tịch HĐQT và cổ đông lớn của ngân hàng này.

Sau đó, T&T cùng SHB tham gia góp vốn thành lập một hệ thống định chế tài chính gồm Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), Quản lý quỹ Sài Gòn-Hà Nội (SHF) và Bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC).

Cũng trong năm 2007, T&T thành lập liên doanh T&T Baoercheng với tổng vốn đầu tư 6,15 triệu USD, xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm ngành nhựa công nghiệp và dân dụng và thành lập CTCP Đầu tư Khai thác & Chế biến Khoáng sản T&T Hà Giang.

Tập đoàn T&T xác định 4 lĩnh vực kinh doanh chính là Bất động sản, Tài chính, Công nghiệp và Thể Thao.

Giữa năm 2012, bầu Hiển cùng SHB lại có thêm một bước đi táo bạo khi đứng ra nhận sáp nhập ngân hàng Habubank đang gặp khó khăn. Việc sáp nhập tạo ra một ngân hàng mới có quy mô lớn hơn những cũng sẽ phải đối mặt với thách thức từ việc giải quyết những khoản nợ xấu trước đây của Habubank.

Năm 2006, bầu Hiển thành lập Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội. Chỉ sau 3 năm thành lập, câu lạc bộ này đã lên 3 hạng từ hạng 3 lên hạng chuyên nghiệp và giành quyền thi đấu ở V-League từ năm 2009. Vì thế, nhắc đến ông người ta nhớ ngay đến danh xưng bầu Hiển và các đội bóng của ông cùng với các vụ mua bán cầu thủ khá ồn ào.

Phụ kiện và những thói quen bình dân của bầu Hiển

Là lãnh đạo của loạt công ty cũng như doanh nghiệp: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T, Chủ tịch HĐQT SHF, SHS và một số công ty khác như: Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB (SHB Land), Công ty bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC), Công ty CP T&T Đà Nẵng, Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco)... nên để thể hiện đẳng cấp của mình bầu Hiển luôn mang theo những phụ kiện tiền tỷ.

{keywords}
Hai phụ kiện điện thoại và đồng hồ tiền tỷ của bầu Hiển.

Chiếc điện thoại có giá khoảng 100.000 USD (tương đương hơn hai tỷ đồng) mang hiệu Vertu bằng vàng đính thêm kim cương được bầu Hiển luôn mang theo mình. Song hành cùng chiếc điện thoại hàng hiệu đắt đỏ là sim điện thoại tứ quý 8 có giá hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ thế, chiếc đồng hồ hiệu Rolex đính kim cương có giá trị khoảng một tỷ đồng cũng là "món hàng xịn” khiến không ít người trầm trồ: "Bầu Hiển mang cả… ngôi nhà bên mình".

Tuy nhiên, thay vì đi lại, tiêu xài thường rất xa xỉ như các đại gia khác, bầu Hiển lại có thú vui khá bình dân - uống bia hơi.

Có lần chia sẻ trên tờ Tiền Phong, ông tâm sự: "Lâu nay người ta hiểu khái niệm bình dân là uống bia hơi vỉa hè, đi xe đạp, mặc quần áo rẻ tiền... Tôi nghĩ, quan điểm đó phải xem lại. Vì trên thế giới, có những tỷ phú, người ta đi xe đạp, chúng ta lại bảo ông ấy là bình dân. Nhưng không phải, đó là sở thích của ông ấy".

Mặc dù sở hữu siêu xe BMW 740i trị giá khoảng trên 3 tỷ đồng nhưng ông lại không tự lái vì "thói quen lên xe hay máy bay, ngồi một lúc là ngủ nên không tự lái được".

(Theo ĐSPL)