Những mảng ký ức sống động thuở ấu thơ, cái duyên với sáng tác nhạc của một cậu thiếu niên đam mê khoa học và nỗi buồn sâu lắng được gửi gắm trong một ca khúc về mẹ... tất cả đều được nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ chân thực, nhiệt thành.

Nhạc sĩ Trần Tiến vốn được mệnh danh là “người du ca” của nền nhạc Việt, mỗi ca khúc của ông đều thể hiện chất thơ, sự phóng khoáng và những cảm xúc chân thực, truyền tải sống động vẻ đẹp quê hương, đất nước đến với khán giả.
 
{keywords}
Nhạc sĩ Trần Tiến

Mới đây, khi có dịp xuất hiện trong một chương trình truyền hình, nhạc sĩ Trần Tiến đã thẳng thắn bộc lộ chuyện đời, chuyện nghiệp của mình. Trò chuyện với nhạc sĩ Trần Tiến, khán giả được dẫn dắt qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, khi hài hước, bông đùa, lúc lại trầm lắng, xúc động.

Trần Tiến tâm sự ông thích mùa đông nhưng lại sợ bị bệnh, bởi sức khỏe của nhạc sĩ 'Mặt trời bé con' không mấy ổn định. Tuy nhiên, khi MC có ý muốn hỏi sâu về tình hình sức khỏe của ông, ông dí dỏm trả lời: "Sức khỏe không ổn lắm. Nhưng thôi không nói chuyện sức khỏe, lúc nào cũng phải khỏe, trước công chúng là phải khỏe. Bởi vì âm nhạc và nghệ thuật là sự tươi trẻ, không ai nói đến tuổi. Tôi năm nay cũng mới năm mấy mà".
 
Tuổi thơ của nhạc sĩ Trần Tiến là những mảng ký ức đầy màu sắc về những thức quà của trẻ nhỏ, cách xưng hô cậu, tớ, đằng ấy dễ thương và những tô phở nhỏ xinh, ăn để thưởng thức tinh hoa ẩm thực, chứ chẳng mấy ai ăn no. Nhạc sỹ cũng rất ấn tượng với ngôi trường Trưng Vương mà ông từng theo học những năm lớp 8, lớp 9 bởi ông là một trong những thế hệ nam sinh đầu tiên của trường.
 

Nhạc sĩ Trần Tiến tâm sự về tuổi thơ

Đối với một nhạc sĩ mà nói, nguồn cảm hứng để sáng tác vô cùng quan trọng, nhạc sĩ Trần Tiến cũng không phải là ngoại lệ, nhưng có lẽ ông may mắn hơn các bạn đồng nghiệp bởi có một trái tim rộng mở, ưa khám phá, dịch chuyển để tìm những chất liệu mới đưa vào tác phẩm của mình.

Ông tâm sự: “Cảm hứng tự nhiên trời cho, tôi cứ đi đến đâu có hứng là tôi viết, tôi rất thích 'du ca' vì hồi trẻ tôi hay được nghe kể về nhưng nhạc sĩ ở nước ngoài, họ không thích truyền hình, không thích sân khấu, họ đi lang thang khắp các nước, họ chơi đàn trên những cánh đồng, rồi trên yên ngựa, thảo nguyên, đi đến đâu họ hát, họ sáng tác đến đó, họ không quan tâm đến chuyện phải đưa bài hát về thành phố lớn để tạo thị trường buôn bán.

Cứ như thế, cứ hát và hát không quan tâm đến sự nổi tiếng, không thích ai hỏi thăm mình, báo chí cũng vậy. Từ đấy tôi mơ được đi lang thang khắp nơi, viết và hát cho nó sướng. Tôi cứ đi khắp Việt Nam, cứ đi lang bang gặp ai hát đó, chú không thích lên sân khấu".

{keywords}
Không khí giao lưu âm nhạc vui vẻ trong chương trình.

Đam mê toán học và chắc mẩm về một tương lai theo đuổi những ngành liên quan đến khoa học, nhưng cái duyên của nghiệp cầm ca đã đến với nhạc sĩ Trần Tiến một cách tình cờ khi được tuyển vào làm hậu đài cho một đoàn văn công Hà Nội. Nhạc sĩ tâm sự, những ngày đầu còn bỡ ngỡ "không biết gì về âm nhạc, thấy mọi người hát thì hát theo, rồi được đưa vào bè trầm của văn đồng ca của đoàn... một năm sau tôi được hát tốp ca, hát song ca rồi lên hát đơn ca”.

Như số trời đã định, năm 17 tuổi, khi chẳng hề nắm trong tay một chút kiến thức nào về nhạc lý, mỗi khi sáng tác, ông đều nhờ người khác ghi lại nhạc cho mình. Tuy nhiên, ca khúc tình cờ được phát hiện và ông bỗng nhận được giải thưởng của Cuộc thi Tiếng hát át tiếng bom trong sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Có lẽ cái duyên với nghề quá sâu nặng, với tài năng sẵn có, nhạc sĩ Trần Tiến sau đó tận tụy dâng hiến cho đời những ca khúc hồn nhiên, trong trẻo, du ca khắp nơi làm đẹp cho đời, thổi hồn nghệ thuật vào cuộc sống mưu sinh vốn lắm phiền muộn, lo toan.

 

Nhạc sĩ Trần Tiến tâm sự về ca khúc “Mẹ tôi”

{keywords}
Tâm sự về mẹ của nhạc sĩ Trần Tiến khiến BTV Quang Minh xúc động.

{keywords}
Ca khúc “Mẹ tôi” và câu chuyện buồn của nhạc sĩ Trần Tiến.

Một trong những ca khúc thành công nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Trần Tiến là ca khúc “Mẹ tôi”. Tuy nhiên, đằng sau ca khúc này là một câu chuyện vô cùng xúc động, đến nỗi nhạc sĩ gần như không thể hát được ca khúc này bởi ông sợ mình sẽ khóc.

Nhạc sĩ bộc bạch: “Tôi đã mong muốn viết về mẹ của tôi từ lâu rồi, có 1 hôm tôi đi diễn với anh Trịnh Công Sơn. Hôm đó là hôm giỗ mẹ tôi nhưng tôi vẫn phải đi diễn. Trong cánh gà tôi viết 1 nửa bài hát này. Thế rồi tôi khóc, bao nhiêu năm trôi qua nữa, lại đến 1 ngày giỗ, sau cùng tôi mới hoàn thành xong cái bài đó. Nói chung thì bài này từ lâu rồi tôi để trên bàn thờ, tôi viết nhạc đầy đủ tôi để trên bàn thờ cạnh hình mẹ chứ không có mang đi đâu hát cả, tôi không hát được, khó hát lắm, hát tôi dễ khóc".

 
Thu Giang - Thu Hiền