Khi chúng tôi có dịp đến Huế, được nghe một số nhà nghiên cứu về Huế hỏi chuyện thực, hư về lời đồn khoảng tám tạ vàng bạc, châu báu của triều đình nhà Nguyễn. Được chúng tôi cho biết, hiện nay chỉ có ở BTLSVN đang lưu giữ khoảng 3000 báu vật bằng vàng bạc, đá quý... phần nào đã giải tỏa thắc mắc ở các nhà nghiên cứu.
 
TIN BÀI KHÁC

Chuyện xung quanh các báu vật ở Huế, nhiều tài liệu còn đề cập đến một Kim ấn “Hoàng Đế chi bảo” và một Bảo kiếm, một chiếc nghiên “Tức Mạc hầu” hiện nay ở đâu không ai rõ. Trong sưu tập báu vật Hoàng cung, có thể chia thành nhiều sưu tập nhỏ theo chất liệu hay theo hình dáng, loại hình, theo công năng của hiện vật để tiện theo dõi.
 
Mũ vua
 
Một trong những báu vật quý hiếm và được nhắc đến nhiều là bốn mũ triều phục vua dùng trong những lúc thiết triều. Bốn mũ triều phục, hiện đã được tu sửa, phục hồi và đang trưng bày giới thiệu cho khách trong, ngoài nước tham quan chiêm ngưỡng tại BTLSVN. Khi tiếp nhận, bốn mũ này chỉ đựng trong hai túi vải nhỏ, một túi ghi “một mũ thượng triều”, túi còn lại ghi “ ba mũ thượng triều”.
 
Mũ thượng triều

Trong cả hai túi vải, có đựng hơn 2100 chi tiết gắn trên mũ bằng vật liệu quý như vàng, bạc, đá quý. Riêng cốt mũ thì không còn. Chúng bao gồm mặt rồng phù bằng vàng, những con rồng chầu được tết từ những sợi chỉ vàng rất cầu kỳ, tinh xảo. Những đao lửa cũng tết từ sợi chỉ vàng, ở giữa gắn những viên đá đủ màu sắc, hình dáng. Bên cạnh là hốt thông thiên, là bác sơn và nhiều chi tiết khác.
 
Bảo kiếm
 
Một thứ báu vật khác là Bảo kiếm. Đây là đồ dùng của vua và là vật báu truyền ngôi. Tất cả các thanh Bảo kiếm có chuôi bằng ngọc hoặc bằng ngà. Bảo kiếm để bên trong cốt gỗ thơm, ngoài bọc đồi mồi, có ba đoạn bọc vàng hoặc bạc và được trang trí hoa văn rất đẹp. Trên các chuôi kiếm có khảm vàng.
 
Trong bộ sưu tập kiếm, phải kể đến thanh kiếm bao vàng chuôi ngọc. Kiếm có chiều dài cả chuôi là 71 cm. Chuôi kiếm được chế tác từ một miếng bạch ngọc nguyên khối, mô phỏng hình chiếc lá cách điệu và có khắc hình dây leo. Vỏ kiếm bằng vàng đúc, có ba đoạn trang trí. Mỗi đoạn trang trí khoảng gần 100 hạt đá quý và bán quý với các màu xanh, đỏ đan xen các hạt ngà.
 
Các hạt đá và ngà được gắn vào các ổ bằng vàng. Một thanh bảo kiếm khác, trên chuôi vàng có dòng chữ Hán “ bảo quốc an dân.” Trong lần tu bổ đầu tiên, năm thanh Bảo kiếm bị hư hỏng nặng đã được trả lại nguyên dạng ban đầu.
 
Hội đồng khoa học tham gia ý tìm biện pháp tu sửa.

Ấn vua
 
Kim Ngọc Bảo Tỷ cùng với Bảo kiếm là biểu tượng của quyền lực tuyệt đối của người đứng đầu thiên hạ. Sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỷ, theo nhiều tài liệu thì các vua triều Nguyễn cho chế tạo và đưa vào sử dụng hơn 100 chiếc. Tuy nhiên, trong kho của BTLSVN, hiện lưu giữ 85 chiếc, số còn lại có thể đang lưu lạc tại Pháp, Mỹ hoặc trôi nổi trong dân gian.
 
Những Bảo Tỷ bằng vàng, bằng bạc được gọi là Kim Bảo Tỷ. Bảo Tỷ bằng ngọc gọi là Ngọc Tỷ. Ngoài ra còn có một số Bảo Tỷ bằng ngà. Số lượng Kim Bảo Tỷ có 71 cái, chiếm phần lớn trong sưu tập.
 
Các Kim Ngọc Bảo Tỷ có vị trí đặc biệt quan trọng trong thể chế quân chủ phong kiến. Vì vậy, việc chế tác, sử dụng, cất giữ Kim Ngọc Bảo Tỷ được quy định rất cẩn thận, chi tiết và phân công trách nhiệm rõ ràng. Mỗi Bảo Tỷ được sử dụng theo chức năng riêng. Những sớ tấu, sách tấu, chỉ, bản dụ thì dùng Kim Bảo Văn Lý mật sát. Kim Bảo Phong tặng chi bảo đóng trên các đạo sắc, cáo phong tặng cho các quan văn võ…
 
Theo thống kê của BTLSVN, Kim Ngọc Bảo Tỷ được chế tác tập trung trong khoảng từ đời vua Gia Long đến đời vua Thiệu Trị. Trong các Kim Ngọc Bảo Tỷ, Kim Bảo Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo và Thủ tín Thiên hạ văn võ quyền hành. Cả hai Kim Bảo Tỷ được làm bằng vàng tám tuổi. Về hình thức chúng tương tự nhau, chỉ có kích thước và một số hoa văn trên quai hình con kỳ lân có một số chi tiết khác nhau được chế tạo thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1709). Khi Nguyễn Ánh xưng vương ở Sài Gòn (1780) đã dùng làm ấn truyền quốc và dùng vào các việc nội vụ, chính sự quan trọng khác.
 
Đồ dùng của vua
 
Khay trà là đồ dùng hàng ngày của vua và hoàng hậu. Hầu hết, thành khay được làm bằng ngà, góc bịt vàng hoặc bạc có đính hạt cườm và đáy bằng gỗ quý. Ngoài ra còn có khay ngọc góc bịt vàng, khay bạc. Đặc biệt chiếc khay vàng cẩn ốc và đá quý. Đây là khay trà được chế tác cầu kỳ, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Bốn thành khay bằng vàng được chạm hình rồng, mây và mặt trời. Các hoa văn có gờ tạo thành cốt để khảm ốc xà cừ. Trên thành khay được bao quanh bằng bốn hàng đá quý đủ màu sắc.
 
Khay trà là đồ dùng hàng ngày của vua và hoàng hậu. Trong ảnh, khay trà trước khi tu sửa.

Trong đồ ngự dụng, còn nhiều bộ ấm tách chén cầu kỳ, đa dạng. Ấm bằng vàng, hình bốn cạnh có phù điêu hình hoa lá; ấm vàng hình quả cam, đầu hình con rùa. Ấm chén ngọc, miệng và đầu vòi bịt vàng, trên thân ấm có trang trí hoa văn mờ. Chén khay, đĩa bằng bạc có trang trí đơn giản nhiều vô kể. Loại hình hộp đựng chủ yếu được chế tác bằng bạc, với nhiều hình dáng, kiểu cách. Hộp đựng trầu cau hình tròn, hình vuông. Hộp đựng đồ trang sức hình tròn có hoa văn trang trí nổi là hình rồng, hình phượng.
 
Đồ trang sức, trang trí
 
Cành vàng lá ngọc là đồ trang trí trong cung, là thú chơi của một số vị vua. Trong kho BTLSVN lưu giữ bốn cành : cành vàng lá ngọc quả phật thủ, cành san hô quả ngọc trai, cành vàng quả nho và cành trúc vàng. Đây là những báu vật được chế tác cầu kỳ, tinh xảo, nhưng rất tiếc là chưa có điều kiện tu sửa, phục dựng để giới thiệu cho khách tham quan thưởng ngoạn.
 
Trong sưu tập còn có nhiều đồ thờ cúng trong cung như lư, đỉnh. Đỉnh bằng vàng, hai tai là hai đầu dơi (phúc ) và nắp được gắn một con nghê rất sinh động. Có nhiều đỉnh bằng bạc, có hai tai là hai con rồng và hoa văn trang trí hình rồng. Những chiếc lư bằng bạc, trang trí phù điêu đầu rồng, chữ vạn xen kẽ các loại hình hoa văn khác.
 
 Mặt rồng hình dơi.

Sưu tập đồ trang sức của phụ nữ. Đây là loại hình khá phong phú như vòng đeo tay hình thú bằng vàng; trâm cài hình bán nguyệt có hình đầu rồng ngậm lồng đèn. Kim sách bằng vàng được vua phong tặng khi các Thái Hoàng Thái hậu, Hoàng Thái hậu được tấn tôn, con trai của vua được lập hoàng tử…
 
Tất cả các loại hình báu vật hoàng cung, dưới bàn tay tài ba, khéo léo của các nghệ nhân cung đình xưa, cùng với tư duy sáng tạo đã để lại cho hậu thế những tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác. Trong lần tu bổ các báu vật đầu tiên tại bảo tàng, một số chi tiết bị mất trên mũ như đầu rồng, định gia công, chế tác thử. Nhưng sau một thời gian nghiên cứu, thấy việc kéo vàng thành sợi có đường kính 0,6mm rồi ráp lại (chuyên môn gọi là “đậu” lại) giống như trên mũ, các nghệ nhân kim hoàn thời nay không dám làm...
 
 (Theo Báo Đất Việt)