Cuộc điều tra của hãng tin BBC cho thấy công nhân tại các nhà máy sản xuất sản phẩm Apple vẫn đang sống trong điều kiện tồi tệ.

Những gì chương trình BBC Panaroma ghi lại tại dây chuyền sản xuất iPhone 6 chỉ ra lời hứa của Apple trong việc bảo vệ công nhân đã hoàn toàn thất bại. Mọi tiêu chuẩn về giờ làm việc, thẻ ID, phòng ký túc, hội nghị lao động hay lao động vị thành niên tại các nhà máy Pegatron đều bị vi phạm. Tuy nhiên, Apple bác bỏ kết luận của BBC.

Một phóng viên đóng vai lao động tại một nhà máy sản xuất linh kiện  máy tính Apple đã phải làm việc 18 tiếng một ngày dù liên tục yêu cầu một ngày nghỉ làm. Phóng viên khác, người phải trải qua ca làm việc dài nhất 16 tiếng, cho biết: “Mỗi lần về phòng ký túc, tôi không muốn động đậy nữa. Ngay cả khi đói, tôi cũng không muốn dậy đi ăn. Tôi chỉ muốn nằm đó và nghỉ. Tôi không thể ngủ vào ban đêm vì căng thẳng”.

Phản bác của Apple

Apple từ chối trả lời phỏng vấn về chương trình nhưng đưa ra tuyên bố: “Chúng tôi biết rằng không công ty nào nỗ lực như Apple trong việc đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và công bằng. Chúng tôi hợp tác với nhà cung cấp để giải quyết các thiếu sót và chứng kiến thay đổi liên tục, rõ rệt”.

Apple cho rằng việc công nhân chợp mắt trong giờ giải lao là bình thường nhưng sẽ điều tra nếu họ ngủ gật khi làm việc. Theo Apple, họ quản lý giờ làm của hơn 1 triệu lao động và công nhân tại Pegatron làm việc trung bình 55 tiếng/tuần.

Điều kiện làm việc tồi tệ tại nhà máy Trung Quốc trở thành tiêu điểm trong năm 2010 khi 14 công nhân tự sát tại đối tác cung ứng lớn nhất của Apple, Foxconn. Sau các vụ việc này, Apple công khai bộ tiêu chuẩn mới về đối đãi với người lao động. Hãng cũng chuyển một số công việc sản xuất sang nhà máy của Pegatron.

Dù vậy, phóng viên điều tra của Panaroma nhận ra những tiêu chuẩn đó thường xuyên bị vi phạm. Ngoài làm việc quá giờ, một phóng viên còn phải tham dự các cuộc họp trước và sau giờ làm không được trả tiền. Một phóng viên khác phải chia sẻ phòng ký túc tù túng với 12 người khác.

Apple cho biết tình trạng quá tải của các ký túc đã được giải quyết và yêu cầu đối tác trả tiền cho lao động nếu họ tham gia cuộc họp công việc. Trong khi đó, Pegatron trả lời đang điều tra cẩn thận những cáo buộc của Panorama và sẽ có hành động cần thiết nếu tìm ra sai sót tại nhà máy.

Điều kiện làm việc nguy hiểm

Không dừng lại ở Trung Quốc, Panorama còn đi sâu hơn xuống các chuỗi cung ứng của Apple tại đảo Bangka, Indonesia. Chương trình tìm ra các bằng chứng cho thấy các mỏ phi pháp xuất hiện trong chuỗi cung ứng dù Apple tuyên bố chỉ sử dụng tài nguyên hợp pháp.

Panorama chứng kiến các em nhỏ đào quặng bằng tay trong điều kiện vô cùng nguy hiểm: chúng có thể bị chôn sống nếu các bức tường cát hay bùn sập. Rianto, lao động 12 tuổi, đang làm việc cùng với bố tại đây bày tỏ nỗi lo lở đất bất kỳ lúc nào.

{keywords}

Rianto, 12 tuổi, lo lắng vì lở đất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Chương trình của BBC theo dấu một nhóm chuyên thu thập quặng từ khu vực Rianto đang làm việc. Một trong số họ cho biết bán quặng cho lò nấu chảy kim loại nằm trong danh sách cung ứng của Apple.

Johan Murod, quản lý một trong các lò nói trên, thừa nhận 70% số quặng có nguồn gốc từ các mỏ nhỏ. Theo ông, “không có cách nào để biết cái gì là hợp pháp và cái gì bất hợp pháp”.

Apple khẳng định tình huống tại Bangka vô cùng phức tạp do hàng chục ngàn người đào mỏ bán quặng qua trung gian. Apple có thể thoát khỏi rắc rối này bằng cách từ chối mọi nguồn quặng của các mỏ ở Indonesia, tuy nhiên nhà sản xuất iPhone, iPad cho rằng đây là hướng đi “lười biếng, nhát gan”. “Chúng tôi chọn cách ở lại và cố gắng thay đổi từ gốc”, Apple nói.

Theo ICTnews/BBC