Tại Hội chọi bò năm 2011 ở Bảo Lâm (Cao Bằng), tôi vô tình nghe được câu chuyện về một cô bé 9 tuổi thay mẹ đã mất nuôi em mới 7 tháng tuổi.
Chiều kết thúc hội chọi bò, cô giáo Nông Thị Lới phụ trách công đoàn trường TH Nà Ca, thị trấn Pác Miầu huyện bảo Lâm đưa tôi đến nhà cháu Hoàng Thị Mũ - nhân vật chính trong phóng sự ảnh sau này.
Cô Lới là người đầu tiên đưa tin về Mũ lên báo Cao Bằng. Nhờ tin này và phóng sự sau đó của truyền hình Cao Bằng, Mũ đã được các nhà hảo tâm ở Cao Bằng giúp khá hiệu quả.
Hoàng Thị Mũ thay quần cho em. |
Tình cảnh của cháu khi tôi đến đã bớt thảm đi nhiều. Hàng xóm kể trước đó không ai nhắc thay, chị em cháu mấy ngày cũng “nhất bộ”, thằng em tiểu vào lưng chị... khai mù. Đói thì sà vào nhà hàng xóm... ăn chực.
Trên đường đưa tôi đến nhà Mũ, cô Lới vừa kể, vừa khóc về buổi cô bé quay lại trường: Áo quần rách te tua, khai mù, mặt xanh, mắt thâm trũng vì đói và mất ngủ, tay dắt, lưng cõng em.
Cô Lới về, tôi ở lại cùng chị em. Mũ vẫn còn dại, cõng em long nhong chơi, cũng giằng xé, cãi nhau với bạn "y trẻ con”. Bố Mũ còn bận đi “chợ rượu” chưa về. Hàng xóm vừa kể tôi nghe chuyện bé Mũ, vừa bới đầu cô bé ra bắt chấy. Một chị ca cẩm: “Từ ngày mẹ chết, con bé lắm chấy quá”.
Sau khi phóng sự ảnh đăng trên báo, tiền và quà đổ về cho bé Mũ nhiều đến… phát hoảng.
Chỉ tuần đầu tiên đã đến con số 200 triệu đồng, sau đó, dòng tiền đổ về cho cháu hơn 800 triệu, trong đó về thẳng huyện hơn 600 triệu, cùng với gần 200 triệu một đơn vị truyền thông giữ giùm cháu đến năm 18 tuổi.
Số tiền hơn 600 triệu gửi ngân hàng do UBND huyện, Mặt trận Tổ quốc huyện, đại diện trường TH Nà Ca cùng quản lý. Lấy một phần lãi chi cho các cháu tiêu dùng, mua cho các cháu ngôi nhà gần trường. Phần lớn nhất giữ lại cho chị em Mũ lúc trưởng thành.
Từ ngày có tiền, bố Mũ vẫn thế, thêm một chút là ông… không thích làm ruộng, nương nữa. Đôi lần cháu bị đòn vì cái “lỗi” không thuyết phục được các cô giáo chi nhiều tiền cho cháu.
Từ lúc có tiền và có quà rất nhiều, thỉnh thoảng cô bé Mũ cũng đòi hỏi nhiều thứ hơn, học sút đi. Hè năm lớp 4, cô Vi Thị Mỹ - Hiệu trưởng nhà trường phải đón cháu về nhà riêng để kèm học thêm. Việc quản tiền cho chị em cháu mệt thật sự, người phải – được giữ khoản tiền ấy đúng ra là bố cháu, nhưng không ai dám giao cho ông.
“Bé làm mẹ” đang lớn, các thầy cô biết rõ vậy, không lâu nữa cháu sẽ đủ tư cách tiếp quản khoản tiền rất lớn với một cô gái 18 tuổi ở vùng cao.
Họ - những người đã vô cùng yêu thương cô bé rất đáng yêu ngày nào - nay lại tiếp tục gồng mình giúp cô trưởng thành gấp gáp, để không bị “đè bẹp” bởi khoản tiền kia.
(Theo Dân Việt)