Các vụ bê bối liên quan tới lãnh đạo Malaysia, vụ ám sát một phụ nữ trẻ và các bằng chứng liên quan tới vụ mua bán tàu ngầm của Pháp đã xuất hiện vào thời điểm không thuận lợi cho chính phủ nước này trong bối cảnh bầu cử đang tới gần.

Chiếc tàu ngầm đầu tiên của Malaysia do Pháp sản xuất cập cảng Hải quân Klang hồi tháng 9/2009.
Tâm điểm của các bê bối này là cáo buộc liên quan tới việc nhà sản xuất tàu ngầm Pháp DCNS đã trả 142 triệu USD tiền hoa hồng cho một công ty liên quan tới Abdul Razak Baginda - một người thân cận của Thủ tướng Najib.

Phe đối lập của Malaysia đã cáo buộc rằng khoản tiền trên được trả cho các quan chức cấp cao liên quan tới thỏa thuận bán cho Kuala Lumpur hai tàu ngầm tấn công lớp Scorpene trị giá 1,1 tỉ USD.

Trong khi đó thì một cô gái trẻ người Mông Cổ đã bị sát hại và thi thể của cô được tìm thấy ở gần thủ đô Kuala Lumpur vào năm 2006. Cô gái này là người tình của Abdul Razak. Có nguồn tin nói rằng cô đã yêu cầu khoản tiền công vì đã làm phiên dịch viên cho vụ thỏa thuận.

Tuy nhiên, vụ việc lại bị chìm xuồng vào năm 2008 khi một phiên tòa của Malaysia tuyên bố rằng Abdul Razak không đứng sau vụ ám sát này.

Các lời kêu gọi điều tra sâu hơn về vụ việc đã bị khước từ.

Giờ đây, vụ việc lại được phe đối lập yêu cầu lôi ra ngoài ánh sáng.

Trước đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã bác bỏ các cáo buộc rỏ rỉ thông tin liên quan tới hợp đồng mua tàu ngầm, và nói rằng đây chỉ là một nỗ lực của phe đối lập nhằm làm hoen ố hình ảnh của ông.

Khi thương vụ mua tàu ngầm Scorpene tiến hành vào năm 2002, ông Najib đang đảm nhận chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Các cáo buộc này xảy ra vào thời điểm nhạy cảm đối với ông Najib vì ông này đang chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử.

Bộ trưởng Quốc phòng Ahmad Zahid Hamidi đã đáp trả lại các cáo buộc của phe đối lập, và nói với quốc hội rằng không hề có chuyện thông tin mật bị rò rỉ, và hợp đồng này được thực hiện thông qua "đàm phán trực tiếp phù hợp với các trình tự mua bán".

"Theo thông tin mà tôi nắm rõ nhất của Bộ [Quốc phòng], cho tới giờ vẫn chưa hề có thông tin nào rò rỉ khỏi Malaysia" - ông Ahmad nói. "Bộ [Quốc phòng] chưa từng trả bất kỳ khoản hoa hồng nào trực tiếp hay gián tiếp cho bất kỳ công ty nào trong việc mua các tàu ngầm Scorpene".

Theo yêu cầu của phe đối lập tại Malaysia, các quan chức hành pháp của Pháp đã mở một cuộc điều tra vào tháng 3/2012 về việc mua bán hai tàu ngầm Scorpene do hãng DCNS của Pháp xây dựng.

Phe đối lập của Malaysia là Suaram đã cáo buộc hãng DCNS (chủ sở hữu hãng Thales) chi trả khoản tiền hoa hồng trị giá 114 triệu euro (tương đương 142 triệu USD) cho công ty Perimekar. Công ty này có liên quan tới một nhân vật là Abdul Razak Baginda - đồng minh của ông Najib.

Mới đây, tờ Asia Sentinel đã đăng tải 133 tài liệu do Pháp cung cấp. Trong đó tờ báo nêu rõ việc đảm bảo hợp đồng này "có được là do một loạt thư tống tiền lằng nhằng, hối lộ, các khoản mua bán lặt vặt ảnh hưởng, làm dụng các tài sản của doanh nghiệp và che đậy, cùng với các cáo buộc khác".

Tờ báo này cũng cáo buộc các quan chức Pháp và Malaysia, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé và cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad có vẻ như đã biết một vài 'hành động sai trái" này. Tuy nhiên, chưa có gì xác minh được tính chính xác của các tài liệu này.

Nurul Izzah Anwar - con gái của lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim - và cũng là người đưa vấn đề này ra quốc hội Malaysia cho biết: "Điều này liên quan tới an ninh quốc gia và thật sự rất nghiêm trọng. Ít nhất thì ông Najib phải giải thích cho toàn bộ cử tri biết điều gì đã xảy ra".

  • Lê Thu (theo CNA)

Lùm xùm bê bối lộ tin mật của Malaysia
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia hôm qua đã bác bỏ mọi cáo buộc rằng một báo cáo mật của bộ này đã bị bán cho doanh nghiệp của Pháp để đạt được một thỏa thuận về tàu ngầm gây tranh cãi.