XEM VIDEO:
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, trợ lý Quân khí, Ban CHQS TP Thủ Đức, Bộ Tư lệnh TP.HCM (thuộc Quân khu 7) vẫn còn cảm giác của ngày gặp bé, thời điểm trong tháng 8, khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM.
Hôm đó, trong một lần chuyển tro cốt người mất vì Covid-19 đến nhà người dân ở phường Tân Phú (TP Thủ Đức), lồng ngực Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên như bị bóp nghẹt khi thấy một bé gái chừng 4 tuổi ra nhận tro cốt.
“Thoáng nhìn qua phòng trọ, tôi cứ mong chờ có một người lớn ra nhận. Nhưng rồi chờ mãi không có ai ngoài cháu bé. Thời điểm đó tôi không thể quay chân rời đi”, Thiếu tá Kiên nghẹn giọng.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên cho biết, anh và đồng đội được giao nhiệm vụ chuyển tro cốt người phụ nữ 44 tuổi tên Nguyễn Thị Ngọc Nga đến đây. Cháu bé ra nhận là Phạm Thị Bảo Châu (4 tuổi), con gái chị Nga.
“Tôi rất bất ngờ và cũng rất buồn. Mình cũng là cha của 2 đứa con, nhìn hoàn cảnh lúc đó, nhói lòng lắm”, anh Kiên chia sẻ.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên báo cáo tại Hội nghị tôn vinh tập thể, cá nhân điển hình trong phòng chống dịch Covid-19 của Quân khu 7 ngày 14/10. |
Tìm hiểu thêm, Thiếu tá Kiên mới biết hoàn cảnh bé Châu còn đáng thương hơn, vì cha mẹ chia tay nhau khi cháu còn rất nhỏ. Mẹ cháu mưu sinh bằng mọi việc như phụ hồ, làm mướn, lượm ve chai... để nuôi con.
“Lúc đó tôi nghĩ đến việc mình sẽ cưu mang cháu, chăm lo cho cháu, nhưng trong bộ đồ bảo hộ, không mang theo tiền nên tôi vay của một cán bộ phường đi cùng 500 nghìn đồng và gửi số tiền này cho một chị ở xóm trọ. Tôi nói “chị cầm lo cho cháu" và hẹn sẽ quay lại sớm”, anh Kiên kể.
Tiếp sau đó, Thiếu tá Kiên xin ý kiến cấp trên đưa tro cốt của mẹ bé về lại đơn vị, liên hệ với UBND phường Tân Phú, xin cho cháu vào khu cách ly của phường trong thời gian tìm người thân cho cháu.
Người lính nhận đỡ đầu 3 cháu nhỏ
Nghe audio Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên chia sẻ lần đầu gặp bé Châu:
Những ngày cao điểm chống dịch ở TP.HCM, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên được giao nhiệm vụ trực các chốt kiểm soát, khu cách ly, phong tỏa, tiếp nhận bàn giao tro cốt những người mất đưa về gia đình và anh đã làm nhanh nhất, chu toàn nhất.
Trước hoàn cảnh của bé Châu, dù gia đình anh cũng không khá giả, bản thân lại là trụ cột chính, cũng có 2 con nhỏ, nhưng anh Kiên được người thân ủng hộ trong việc nhận đỡ đầu, chăm lo cho bé.
Vợ chồng anh Kiên đưa 2 cháu lớn đi thắp nhang cho mẹ các cháu và đón bé Châu về ở với bà ngoại ở quận 4, TP.HCM hồi tháng 10 |
Anh Kiên cho biết, việc tìm kiếm người thân cho cháu sau đó cũng gặp không ít khó khăn vì quá ít thông tin. Nhưng với mong mỏi đưa cháu về vòng tay yêu thương của gia đình, sau thời gian tìm kiếm anh Kiên liên hệ được cô ruột của cháu tại phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu.
Qua trao đổi, cô của cháu Châu đồng ý nhận tro cốt của mẹ bé và nhận cháu về ở cùng.
Từ đây, anh Kiên biết thêm cháu còn anh trai tên là Đình Huy (10 tuổi) và chị gái là Bảo Ngọc (8 tuổi) sống cùng bà ngoại tại phường 8, quận 4, TP.HCM.
Theo lời Thiếu tá Kiên, khi bé Châu sinh ra, mẹ cháu bị mất giấy tờ nên phải nhờ một người mợ đứng tên trên giấy khai sinh. Do đó, cháu Châu tuy nay đã mất mẹ, nhưng trên giấy tờ pháp lý là vẫn còn mẹ, chính là người mợ.
Khi đưa cháu Châu đến gặp 2 anh chị ở nhà bà ngoại, anh Kiên còn thương cảm hơn bởi hoàn cảnh bà ngoại 87 tuổi chăm 2 cháu, sinh sống trong căn phòng chưa đầy 20m2, còn nguồn lao động chính là người mợ bị tật ở chân.
“Trong một lần qua thăm, các cháu hỏi tôi, chú Kiên ơi, cho con gọi chú là ba Kiên nha, con không có ba, con muốn có ba để được ba quan tâm”, anh Kiên kể, còn đôi mắt người lính đỏ hoe.
"Mặc dù biết sẽ rất khó khăn về kinh tế, công việc, gia đình và giải quyết các mối quan hệ... Nhưng suốt quá trình tận tường về hoàn cảnh gia đình, mất mát của các cháu, tôi đã nhận đỡ đầu thêm anh trai và chị gái của Châu”, Thiếu tá Kiên bộc bạch.
Anh Kiên và bé Châu (ảnh trái). Trước nghĩa cử cao đẹp và những nhiệm vụ được hoàn thành hiệu quả cao, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên được Quân khu 7 tặng bằng khen trong phòng, chống dịch Covid-19. |
Sau đó, anh Kiên quyết định đón bé Châu từ Vũng Tàu về ở cùng bà ngoại và 2 anh chị. Dù biết bà sẽ rất cực, nhưng theo anh Kiên thời điểm này đó là cách tốt nhất. Đồng thời, cũng xin chuyển tro cốt mẹ bé Châu về một ngôi chùa ở TP.HCM để thuận tiện cho các cháu thăm nom.
Anh Kiên cũng xin cho các cháu đi học lại. Như cháu Huy năm nay 10 tuổi mới học lớp 3, do trước đây đi nhặt ve chai với mẹ nên bỏ học. Khi biết các cháu học online, anh xin máy cũ, mua tập, sách cũng như vật dụng cần thiết trong học tập gửi đến. Hàng ngày, anh dành thời gian hỏi han tình hình, điện thoại cho cô giáo trao đổi về học tập của các bé.
Vợ chồng anh Kiên đưa bé Châu và 2 anh chị đi mua sắm quần áo. |
Khi có thời gian, anh lại ghé thăm, mang đồ ăn. Anh chia sẻ, hiện vẫn lo ăn học cho các bé theo khả năng của mình, với tâm niệm “con mình ăn gì thì mang sang cho các cháu thứ đó” và “phải tính chuyện lo đường dài”. Anh cũng đang vận động để sửa căn nhà cho bà ngoại của các cháu.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên cho biết, sẽ làm mọi cách với điều kiện ưu tiên là bé Châu được sống cùng với người thân, gia đình. Bà con lối xóm, khu phố nơi gia đình bé Châu sinh sống hết mực ủng hộ, sẵn sàng giúp đỡ khi anh nhờ cậy.
Với tình cảm thân thương, sẻ chia, đùm bọc của một người lính Bộ đội Cụ Hồ, anh Kiên đã lọt vào đề cử Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng 2021. Mời độc giả bình chọn cho nhân vật TẠI ĐÂY.
Thu Anh
Chuyện người lính chuyển tro cốt ở TP.HCM nhận đỡ đầu bé gái mồ côi 4 tuổi
Đưa tro cốt người mất vì Covid-19 đến nhà người dân, trong một căn phòng trọ chật hẹp ở phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM, người chiến sĩ nhói tim khi ra đón là một bé gái chừng 4 tuổi.