Một màn kịch đã được tạo ra bởi người mẹ nhằm hợp thức hoá giấy tờ cho con gái đi học. Tuy nhiên, hành động bồng bột này vừa khiến công an gặp khó khăn trong việc xác minh vừa có thể gây tổn thương tinh thần, tâm lý, thể chất cho đứa trẻ. Rất may sau đó chính quyền đã sắp xếp giải quyết giấy tờ hợp pháp cho cháu bé đi học. Câu chuyện mang tính cảnh báo những trường hợp khác có ý định làm vậy với trẻ em. |
Bé gái 5 tuổi bị bỏ rơi?
Suốt 2 ngày qua, hình ảnh một bé gái 5 tuổi được cho là bị bỏ rơi ở khu vực gầm cầu Vát, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang được chia sẻ rộng khắp trên các hội nhóm mạng xã hội.
Theo thông tin từ các bài đăng, một người dân ở khu vực này phát hiện cháu bé lúc hơn 3h sáng ngày 21/4. Bên cạnh cháu bé có một túi quần áo, đồ chơi và hơn 360 nghìn đồng cùng lời nhắn: “Hoàn cảnh khó khăn nên mẹ không thể nuôi được con. Mong ai nhặt được cháu thì xin nuôi giúp tôi. Tôi cảm ơn”.
Trao đổi với PV, lãnh đạo xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang – nơi cháu bé được phát hiện – xác nhận có trường hợp này. Ông Ngô Duy Bôn, Chủ tịch xã Hợp Thịnh, cho biết, hiện tại bé gái đang được các cán bộ chăm sóc tại trạm y tế xã.
Theo ông, sau khi người dân phát hiện, đưa cháu bé lên uỷ ban xã trình báo, đã có một phụ nữ ở tỉnh Thái Nguyên tự xưng là mẹ cháu bé đến xin nhận lại. Tại đây, người mẹ thú nhận câu chuyện bỏ con chỉ là một màn kịch để giải quyết vấn đề giấy khai sinh cho cháu đi học.
Ông Bôn nói: “Người phụ nữ này cho biết, chị đã cùng với người quen – chính là người nhặt được cháu bé – dựng lên màn kịch bỏ rơi cháu. Sau đó, theo kế hoạch, chị sẽ đến nhận lại cháu để chúng tôi cấp cho chị giấy tờ xác nhận chị là mẹ và cấp giấy khai sinh cho cháu. Bởi vì cách đây 5 năm, khi chị mang cháu bé về nuôi, đã không khai báo với chính quyền địa phương. Vì thế, bây giờ chính quyền địa phương không làm giấy khai sinh cho cháu”.
Sau khi nhận được lời khai báo, công an xã Hợp Thịnh đã về làm việc với chính quyền phường Tích Lương, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái nguyên – nơi người phụ nữ sinh sống.
Sau điều tra bước đầu, người dân địa phương xác nhận người phụ nữ này đã nuôi dưỡng cháu bé được 5 năm. Tuy nhiên, khi chính quyền xã Hợp Thịnh đề nghị bàn giao cháu bé cho phường Tích Lương thì hai bên chưa thống nhất được với nhau về mặt thủ tục.
““Chính vì thế, chúng tôi phải đưa cháu bé trở lại xã và đợi chỉ đạo của cấp trên”.
Màn kịch của người mẹ
Liên hệ với chị Phạm Thị N., 50 tuổi, hiện trú tại phường Tích Lương, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên – người nhận là mẹ cháu bé, PV được nghe câu chuyện từ phía chị.
Chị N. cho biết, cách đây 5 năm, chị nhặt được bé gái đang nằm chỏng chơ, lúc đó mới chỉ vài ngày tuổi ở khu vực Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Chị mang bé về nuôi mà không trình báo với chính quyền cả 2 bên – nơi chị nhặt được và nơi chị mang về nuôi dưỡng. “Đó là lỗi của tôi, tôi xin nhận trách nhiệm", chị N. nói.
“Tuy nhiên, khi cháu đến tuổi đi học mà không có giấy khai sinh, là một người mẹ, tôi rất đau lòng. Tôi chỉ nghĩ bằng mọi giá phải làm được giấy tờ cho cháu đi học”.
Chị N. chia sẻ, chị mới quen ông D. Khi ông D. biết câu chuyện của chị, đã gợi ý chị giả vờ bỏ rơi rồi đến xin nhận lại để chính quyền cấp giấy tờ cho cháu.
Làm theo gợi ý của ông D., 2h sáng ngày 21/4, chị N. bắt xe ôm cùng con từ TP. Thái Nguyên sang khu vực cầu Vát (xã Hợp Thịnh). Khi đến nơi, cháu bé đang ngủ nên chị đặt cháu ở khu vực gầm cầu.
15 phút sau, ông D. soi đèn pin đi tới rồi bế cháu bé về như đã hẹn. Chị N. đứng cách đó 20m, đợi ông D. và quan sát toàn bộ sự việc rồi mới đi về TP.Thái Nguyên.
Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, chị N. thấy khắp mạng xã hội chia sẻ hình ảnh con mình. “Cộng đồng mạng mắng tôi rất nhiều. Tôi đọc hết và thấy rất đau xót. Nhưng tôi vẫn cố đợi thêm. Đến tối hôm đó, anh D. gọi cho tôi thông báo mau sang nhận con, không người khác đến nhận nuôi mất. Tôi đã ngay lập tức sang làm việc với công an xã Hợp Thịnh. Đến hôm sau, khi đã khai báo hết sự tình với xã, tôi được công an xã Hợp Thịnh cho về”.
Chị N. chia sẻ, mọi sự tình chị đã khai báo với công an và bộ phận tư pháp của cả 2 địa phương. “Cái gì làm sai tôi xin chịu trách nhiệm. Cũng chỉ vì mong làm giấy khai sinh cho cháu mà tôi nghĩ quẩn. Tôi thành thực xin lỗi”.
Chị nói, trong suốt 5 năm nuôi cháu bé, chị vẫn gọi cháu bằng tên thân mật ở nhà. “Bây giờ, tôi chỉ muốn làm giấy khai sinh cho cháu, lấy tên cháu theo họ của tôi, còn tên là gì thì tôi chưa quyết định được, cần bàn bạc thêm với gia đình”.
Được biết, chồng chị N. mất cách đây 14 năm. Chị có 1 con trai, 1 con gái và cả hai đều đã lập gia đình.
Chính quyền địa phương lên tiếng
Trao đổi với PV báo VietNamNet, ông Nguyễn Lê Thống, Chủ tịch UBND phường Tích Lương, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, cho biết, phía uỷ ban đã báo cáo cấp trên và đang tìm hướng giải quyết cho trường hợp này.
Ông Thống chia sẻ, chị Phạm Thị N. có đăng ký thường trú tại phường Tích Lương từ năm 2019. Trước đó, chị N. không sinh sống trên địa bàn phường. Từ năm 2019, chị N. về đây và mang theo cháu bé. Tuy nhiên, chị N. không hề khai báo thông tin về cháu bé.
Ngày 20/4 – trước ngày xảy ra kịch bản bỏ rơi đúng 1 ngày, chị N. có lên phường đề nghị làm giấy khai sinh cho cháu bé. Ở đây, chị khai mình là mẹ đẻ, sinh đứa bé ở Trung Quốc, không có giấy tờ gì.
Bộ phận tư pháp của phường đã trả lời chị rằng, nếu bố đứa bé là người Trung Quốc, và đứa bé lại sinh ra ở nước ngoài, không có giấy tờ thì phường không làm giấy khai sinh được.
Nhưng sau khi kịch bản bỏ rơi xảy ra, chị N. lại khai nhặt được đứa trẻ ở Móng Cái, Quảng Ninh.
Khi đại diện uỷ ban và công an xã Hợp Thịnh sang làm việc, đề nghị phía phường Tích Lương ký biên bản nhận bàn giao đứa bé từ uỷ ban xã Hợp Thịnh, lãnh đạo phường đã không đồng ý. Lý do đưa ra là phía phường chưa nắm được bất cứ thông tin gì về nguồn gốc của bé.
Theo ông Thống, phía phường Tích Lương chỉ đồng ý ký biên bản 3 bên (gồm cả phía chị N.), xác nhận chị N. đăng ký thường trú ở đây từ năm 2019, và theo quan sát ban đầu, chị N. và đứa trẻ có mối quan hệ, đồng ý tạm giao bé gái cho chị N. chăm sóc.
“Sau đó, chúng tôi sẽ tiến hành các bước tiếp theo. Nếu vượt quá thẩm quyền thì chúng tôi sẽ báo cáo cấp trên để giải quyết sự việc, tìm nguồn gốc cháu bé và tạo điều kiện để cháu đi học”.
Ông Thống cũng cho biết, chị N. từng khai, năm 2002 chị bị lừa bán sang Trung Quốc và trốn về được. Sau đó, chị chủ động tìm cách vượt biên sang Trung Quốc để làm ăn thì nhặt được cháu bé trên đường đi.
Từ khi về cư trú ở phường Tích Lương, chị sống khá khép kín, ít giao du. Hiện chị có cửa hàng bán thực phẩm nhưng không nằm trên địa bàn phường.