Bé L.T.T.L. 6 tuổi, ở Phú Thọ được gia đình đưa đến BV đa khoa Hùng Vương khám trong tình trạng sốt cao, vùng mắt bị sưng, có nốt phỏng trên vùng mặt, đã được cha mẹ xử trí bôi thuốc tím tại nhà.
Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết. Tuy nhiên chỉ 2 tiếng sau nhập viện, tình trạng của bé L. diễn tiến xấu rất nhanh khi chuyển sang kích thích, nói nhảm, nhịp thở nhanh, nhịp mạch nhanh, rơi vào hôn mê.
Bé gái nhanh chóng chuyển nặng sau khi nhập viện |
Dù chưa có kết quả cấy máu nhưng các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn, xử trí theo phác đồ chống sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nhi được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực để chăm sóc đặc biệt, tuy nhiên trong 6 ngày đầu dùng thuốc vận mạch, kháng sinh liều cao, tình trạng bệnh nhi vẫn diễn biến phức tạp.
May mắn 10 ngày sau, tình trạng của bé L. cải thiện dần, được ra viện đúng sinh nhật tròn 6 tuổi.
Sốc nhiễm khuẩn là một cấp cứu trong truyền nhiễm, là tình trạng đáp ứng của toàn cơ thể với vi khuẩn gây bệnh dẫn đến tụt huyết áp đi đôi với triệu chứng suy chức năng của các cơ quan do thiếu tưới máu, thiếu oxy tổ chức mặc dù đã bù đủ khối lượng dịch tuần hoàn.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị tổn thương tế bào, tổn thương đa tạng dẫn tới tử vong. Hiện tỉ lệ tử vong do sốc nhiễm khuẩn lên tới 40-70%
Virus và nấm là nguyên nhân gây sốc nhiễm khuẩn, trong đó phổ biến là do vi khuẩn. Biểu hiện của nhiễm khuẩn và sốc nhiễm khuẩn thường xảy ra trên các triệu chứng của bệnh lý có sẵn và của nhiễm khuẩn khởi phát ở người bệnh.
Hiệu quả của việc xử trí sốc nhiễm khuẩn phụ thuộc nhiều vào khả năng chẩn đoán sớm tình trạng sốc, phát hiện chính xác căn nguyên và tiên lượng được diễn biến sốc.
Điều trị sốc nhiễm khuẩn mang tính tổng hợp, bên cạnh việc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh cần chú trọng đến các biện pháp hồi sức.
Minh Anh
Chỉ cảm cúm, mẹ Hà Nội chiến đấu cùng con suốt 14 ngày qua 3 bệnh viện
Cô con gái 23 ngày tuổi ban đầu chỉ hắt hơi, sổ mũi nhưng sau đó rơi vào trạng thái suy hô hấp, viêm phổi, cấp cứu qua 3 bệnh viện.