Câu chuyện đau lòng được TS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ tại hội thảo Rối loạn tâm thần tuổi học đường ngày 24/11.
TS Loan cho biết, bé gái 12 tuổi ở Hà Nội được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi cấp cứu trong tình trạng hôn mê, nguy kịch, sau vài tiếng điều trị tích cực không có hiệu quả, gia đình đã xin về, tử vong tại nhà.
Theo chia sẻ của gia đình, bố mẹ bé có đời sống hôn nhân không hạnh phúc. Trước khi sự việc xảy ra, bé gái bị cô giáo phê bình, nhắc nhở trên lớp do nói chuyện, làm việc riêng, tuy nhiên nữ sinh giải thích mình không vi phạm.
Về nhà, gia đình yêu cầu em làm kiểm điểm khiến em treo cổ tự tử.
TS Đỗ Minh Loan chia sẻ bên lề hội thảo
Theo TS Loan, có thể bản thân bé đã có những bất ổn từ lâu nhưng không được phát hiện sớm, sự việc ở trên lớp chỉ như giọt nước tràn ly khiến em có quyết định manh động và bồng bột muốn kết thúc cuộc sống.
Tại khoa cũng đang điều trị cho trường hợp bé gái 13 tuổi bị trầm cảm nặng. Cô bé không gần gũi với bố mẹ, thay vào đó thường tâm sự, chia sẻ với anh trai. Cách đây 1 năm, anh trai đi du học khiến cô bé chếnh choáng, hụt hẫng và rơi vào trầm cảm, từng có ý định tự sát.
Sau nhiều buổi can thiệp, điều trị, tâm lý bé gái đã cải thiện, điểm số các các môn học cũng cao hơn.
Số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới cho thấy 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14.
Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên và là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở nhóm này.
Tại Việt Nam, năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành một cuộc khảo sát về rối loạn tâm thần với 834 học sinh tại Hà Nội cho thấy, tỉ lệ trầm cảm với các mức độ khác nhau là 31,3%, lo âu là 42,6%, stress là 38,8% và có trên 18% mắc cả 3 rối loạn.
Từ thực tế điều trị, TS Loan cho biết, số lượng học sinh đến tìm gặp bác sĩ để can thiệp tâm lý ngày càng tăng, song hầu hết đều đến ở giai đoạn giữa và muộn. Các trường hợp này cũng phần lớn được cô giáo phát hiện, do bố mẹ bận rộn không đủ thời gian quan tâm, tâm sự với con.
“Có trường hợp bị trầm cảm từ lâu nhưng bố mẹ không hề hay biết, đến 8 năm sau mới phát hiện ra thì đã ở giai đoạn rất nặng, điều trị khó khăn”, TS Loan thông tin.
Với các bệnh nhân điều trị, chưa có trường hợp nào theo được 6-7 tháng để chữa trị đến tận cùng, thường ngay khi có những tiến triển là dừng. Việc không điều trị triệt để sẽ khiến trẻ dễ tái phát, có trường hợp phải quay lại viện nhiều lần.
Theo TS Loan, giữa các em bị rối loạn tâm thần và bố mẹ luôn có độ vênh về quan điểm. Cha mẹ thường chỉ nhìn từ góc nhìn của người lớn, cho rằng mình nói như vậy không vấn đề gì nhưng từ phía con trẻ lại thấy bị tổn thương.
TS Loan cho hay, trong các yếu tố nguy cơ gây rối loạn tâm thần ở học sinh, căng thẳng trong học tập bao gồm cả kỳ vọng của gia đình, bản thân, khối lượng bài vở nhiều là nguyên nhân hàng đầu.
Nữ học sinh 13 tại Hà Nội tâm sự: “Bố mẹ nghĩ cứ so sánh con với bạn khác coi đấy là tấm gương để con học tập theo và mong con tốt lên nhưng thực chất chỉ động đến lòng tự trọng, cảm giác tổn thương về tâm lý nên học càng dốt đi mà thôi”.
Một nữ sinh 16 tuổi cũng chia sẻ, việc bố mẹ quá kỳ vọng, lúc nào cũng muốn con giỏi, xuất sắc khiến con bị áp lực, muốn bố mẹ hãnh diện, không thất vọng về mình nên lao đầu vào học, dần dần xa lánh bạn bè, tự kỷ.
Nhóm nguyên nhân thứ hai do thiếu sự hỗ trợ, động viên khuyến khích của các thầy cô giáo; thứ ba là môi trường học đường bất ổn với bạo lực học đường, mâu thuẫn bạn bè; thứ tư, gặp trở ngại trong các mối quan hệ tình cảm; thứ năm, do chuyển cấp, chuyển trường; thứ sáu, do thay đổi tâm lý trong giai đoạn dậy thì; thứ bảy, thiếu phối hợp giữa gia đình và trường học.
Thúy Hạnh
Trầm cảm sau sinh, BS ám ảnh câu chuyện 2 mẹ con quấn dây điện tự tử
Những trường hợp trầm cảm sau sinh thường có suy nghĩ không muốn bố mẹ, con cái khổ nên thường tự tử cùng hoặc sát hại người thân trước khi tự sát.