- Cho bé ở độ tuổi mầm non và tiểu học đi học nhạc không còn là chuyện quá xa vời đối với nhiều gia đình khi điều kiện kinh tế đã khá hơn.

Âm nhạc, với những tác dụng như khiến tâm hồn phong phú hơn, tăng cường khả năng tư duy, thẩm mĩ… đã khiến nhiều phụ huynh lựa chọn cho con mình một loại nhạc cụ để “học thêm”, thay vì những môn kiến thức truyền thống như tiếng Anh, toán, lý.

  {keywords}
Nhiều phụ huynh lựa chọn cho con một loại nhạc cụ để học thêm

Muôn nẻo dẫn đến với đàn

Các bé được đưa đến các trung tâm, câu lạc bộ học đàn với những lý do rất riêng của… người lớn.

Có những phụ huynh cho con đi học nhạc với lý do cha truyền con nối như “Trước đây mình học guitar rồi nên bây giờ thích cho con đi học”, “Thấy chồng chơi guitar cũng hay nên em cũng muốn con em giống lão ấy”.

Hay như chị Thanh Phương cho biết lý do đăng ký cho con học hè tại Cung Thiếu nhi: “Ông ngoại trước đây biết chơi đàn, đến đời con của ông tức là mình đây do hoàn cảnh khó khăn chẳng có điều kiện biết mấy “món” này, nên bây giờ ông thích các cháu ông được học”.

“Con trai của mình rất hiếu động nên mình muốn cho học đàn để có thể trầm tính lại” – đây là mong muốn của chị Như Mai.

Con nghịch quá cho đi học nhạc để đỡ nghịch, nhưng con nhút nhát cũng cho đi học đàn với hy vọng con bạo dạn hơn. “Mình thấy cho con đi học đàn rất tốt, vì con gái mình trước đây khi đi mẫu giáo rất nhút nhát nhưng bây giờ đã bạo dạn hơn rất nhiều. Con đi học nhạc ở trung tâm được sinh hoạt tập thể cùng với các bạn, thỉnh thoảng lại biểu diễn, thi cử nữa, nên mạnh dạn hẳn lên” - Chị Ngọc Hoa hào hứng chia sẻ sau hai năm cho con học oorgan.

Chị Thu Hằng lại đưa ra lý do cho con học đàn nghe như đùa, nhưng không phải không có lý: Mình cho con gái học piano để sau này lỡ nó có… thất tình thì trút vào đàn cho khuây khỏa.

Cũng là lý do liên quan đến… tương lai lâu dài của con trai, chị Minh Nga cho rằng con mình biết chút đàn hát sau này “đi tán gái sẽ dễ hơn”. “Mình hình dung con mình sau này là chàng sinh viên biết ôm cái đàn ghita, hoặc lướt tay trên mấy cái phím ocgan mà thấy hay ra phết. Các nàng bạn học lãng mạn mơ mộng chắc sẽ cho nó điểm cao”.

Và có những phụ huynh tính xa hơn nhiều: Cho con học nhạc để theo đuổi một ước mơ xa xôi hơn, như chuẩn bị cho một hồ sơ du học trong tương lai.

Theo chị Minh Hoa, tốt nghiệp Nhạc viện, hiện đang làm quản lý tại một nhà văn hoá quận, đúc kết từ bản thân và quá trình dạy học sinh, thì dù theo học với lý do nào, điểm cộng cho những bé được học đàn là ở tính kỷ luật, tính tổ chức, khả năng tư duy và ít bị stress hơn. Hơn nữa, do có một “tài lẻ” nên bé sẽ tự tin hơn, giao tiếp xã hội tốt hơn.

Theo các trung tâm dạy nhạc thì hiện nay việc học các môn nhạc cụ đang bị lệch, rất hiếm học sinh học các môn như nhạc dân tộc, flute, Guitar, kèn, violon… Đa số học organ và piano.

Nhận dạy đàn từ 9 tháng

“Nên bắt đầu học đàn từ mấy tuổi?” là câu hỏi được tranh luận khá sôi nổi trên các diễn đàn.

Tên một diễn đàn, một phụ huynh có hơn 15 năm học violin chuyên nguyệp chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của mình thì bé được 5 tuổi bắt đầu cho học nhạc là vừa nhất. Lúc mình còn ở Việt Nam cũng như ra nước ngoài sau này, mình có đi dạy tư nhân và nhận thấy một điều là các bà mẹ rất thích cho con học nhạc sớm! Có người còn thắc mắc là sao nước ngoài họ cho con học nhạc từ lúc 3 tuổi, còn mình thì không? Xin thưa là học từ 3 tuổi nhưng đến bao nhiêu tuổi thì bé mới thực sự tiếp thu??? Mình dạy các em quá nhỏ (khoảng 3, 4 tuổi) mình thấy mình cực 1 mà các bé cực 10. Như vậy có tội quá không? Dĩ nhiên nhằm bé nào thần đồng thì 3 tuổi là được. Nhưng khổ nỗi cũng hiếm thần đồng lắm. Mình biết không phải ai cũng muốn con mình học nhạc chuyên nghiệp. Như thế thì lại càng không nên cho bé học quá sớm, chẳng có lợi gì mà có khi còn làm bé sợ”.

Các trung tâm, câu lạc bộ âm nhạc cũng giới hạn những độ tuổi nhất định đối với từng loại nhạc cụ. Trừ organ có thể cho trẻ học từ 4 tuổi, thì những nhạc cụ khác yêu cầu trẻ có độ tuổi lớn hơn.

Một trung tâm có tiếng về dạy nhạc ở Hà Nội, với các giáo viên là giảng viên của Nhạc viện, nhận dạy violin cho trẻ từ 6 tuổi trở lên, cello từ 11 tuổi trở lên, trống từ 6 tuổi trở lên, kèn Saxophone từ 9 tuổi trở lên… Mẹ nào quá mê guitar, muốn cho con đi học sớm có thể theo học lớp 1 thầy cô/ 1 trò. Những lớp này nhận học viên từ 6 tuổi trở lên. Còn các lớp học guitar theo nhóm với sĩ số từ 2 - 6 học viên/ lớp nhận học viên từ 9 tuổi trở lên.

Ở Cung thiếu nhi nhận dạy guitar cho trẻ từ 8 tuổi trở lên, các bộ môn trống, nhạc dân tộc cũng từ 8 tuổi, organ và piano từ 5 tuổi…

Tuy nhiên, với những phụ huynh vẫn tha thiết cho con đi học nhạc thật sớm, thì nhiều trung tâm đã có những lớp cảm thụ âm nhạc dành cho bé từ 3 tuổi, thậm chí 9 tháng tuổi.

Ở những lớp cảm thụ âm nhạc, bé sẽ học hát, luyện tai nghe, nhạc lý cơ bản, khám phá nhạc cụ, giao lưu với nghệ sĩ trẻ, tiến tới học chơi một loại đàn tự chọn... Có trung tâm đưa ra 6 cấp độ học cảm thụ, mỗi cấp độ 4 tháng, mỗi tuần học 1 buổi (90 phút).

Dù vậy, nếu không có điều kiện cho con đi học mà vẫn muốn bé biết sớm, thì phụ huynh vẫn có thể tự dạy. “Dạy bé cảm thụ âm nhạc thì mình nghĩ bà mẹ nào cũng có thể dạy được và dạy ngay từ khi bé bắt đầu hiểu mình nói. Ví dụ chỉ cho bé nghe tiếng chim hót, tiếng nước chảy, cách phân biệt tiếng khóc, cười... đâu cần phải nhờ đến cô giáo làm gì? Từ khi bé còn trong bụng mẹ thì nên cho bé nghe nhạc cổ điển mỗi ngày, càng nhiều càng tốt. Đến khi bé ra đời cũng giữ nếp như vây. Sau này lớn lên, bé học nhạc sẽ dễ dàng hơn là "đùng một cái" bắt bé đi học nhạc” - một phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm.

Học phí học nhạc cụ rẻ nhất là ở các nhà văn hoá thiếu nhi của quận, thành phố. Nếu mời gia sư dạy tại nhà hoặc đến nhà giáo viên để học (chru yếu đối với piano), mức học phí tuỳ thuộc vào số lượng học sinh và “đẳng cấp” giáo viên. 

Học phí 3 tháng (từ tháng 6 - hết tháng 8) của Cung thiếu nhi Hà Nội: Organ 1.350.000 (2 buổi/ tuần), 720.000 đồng (1 buổi/ tuần); Piano 1,110,000 đồng (1 buổi/ tuần), Piano chất lượng cao 1,710,000 (1 buổi/ tuần); Guitar 960,000 (2 buổi/ tuần), 540,000 (1 buổi/ tuần); Trống nhạc nhẹ 960,000 (1 buổi/ tuần), Nhạc dân tộc (đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, tam thập lục, sáo trúc, t'rưng) 540,000 (1 buổi/ tuần).

Học Cảm thụ âm nhạc: Học phí 2.160.000 / 1 khóa ( 3 tháng, 1 buổi/ tuần) - Trung tâm nghệ thuật Artwings, nhận học sinh từ 12 tháng tuổi.

Trung tâm Musicland có lớp cảm thụ với học phí 1.600.000 đồng/ khóa học 4 tháng (16 buổi, 90 phút/ buổi) – dành cho học sinh từ 3 tuổi.

Cũng tại Musicland, các khoá học nhạc cụ từ 200.000 – 250.000 đồng/ buổi cho các lớp học 1 thầy/ 1 trò, 125 nghìn đồng/ buổi có các lớp học nhóm dưới 6 học sinh, và 100.000 đồng/ nhóm từ 7 học sinh. Lớp gia sư 1 thầy/ 1 trò tại nhà của học sinh có học phí từ 250 – 300 nghìn đồng/ buổi.

Trung tâm Sol Art có khoá học cảm thụ âm nhạc dành cho các em nhỏ từ 9 tháng đến 26 tháng tuổi học đồng hành cùng mẹ, gồm 24 buổi, 75 phút/buổi, học phí 4.800.000 đồng/ khóa. Khoá học tiếp nối cũng có thời lượng 24 buổi, 90 phút/ buổi, học phí 6.000.000 đồng. Ngoài ra trung tâm này tổ chức các khoá cảm thụ âm nhạc, mỹ thuật khác cho các bé dưới 5 tuổi cũng với học phí 6.000.000 đồng/ khoá.

Mức học phí các bộ môn nhạc cụ cổ điển như Piano, Guitare, Violin, Flute, các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn t’rưng, đàn thập lục, đàn tam thập lục… của trung tâm này là 7.200.000 đồng / khóa, gồm 24 buổi, 45 phút/ 1 buổi.

 

Bài 2:  Nhạc của con, công của mẹ

·        Chi Mai