Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu kịp thời bé D.T.T. (9 tuổi, ngụ Trà Vinh) bị sốc sốt xuất huyết nặng.
Bé T. sốt cao liên tục 3 ngày, đến ngày thứ 4 bé xuất hiện thêm triệu chứng đau bụng, nôn ói, tay chân lạnh nên người nhà đưa bé đi khám tại bệnh viện địa phương.
Sau 2 tuần điều trị tích cực, hiện bé T. đã ổn định sức khỏe
Bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc sốt xuất huyết ngày thứ 4, huyết áp giảm, rối loạn đông máu. Bệnh nhi đã được truyền dịch chống sốc và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại đây, bé T. đã được đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, dùng các thuốc vận mạch phối hợp, đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục.
Tuy nhiên, tình trạng của bé diễn tiến phức tạp do rối loạn đông máu, tổn thương gan, thận, suy hô hấp nặng, tràn dịch màng bụng, màng phổi lượng nhiều. Các bác sĩ đã thực hiện chọc dò màng bụng giải áp, điều chỉnh toan chuyển hóa, điều chỉnh rối loạn đông máu và truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc.
Sau 2 tuần điều trị tích cực, hiện sức khỏe bé T. đã ổn định.
Qua trường hợp này, BS.CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố lưu ý, đang gần cuối mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết vẫn có nguy cơ cao.
Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng ngừa. Tuy nhiên, người dân có thể đề phòng bằng cách diệt muỗi, bọ gây và làm vệ sinh môi trường sống xung quanh.
Khi trẻ bị sốt, người thân cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em đến cơ sở y tế. Nếu trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu sau, cần phải đưa trẻ vào bệnh viện ngay: quấy khóc, bứt rứt, đau bụng, ói ra máu, phân đen, tay chân lạnh.
Liên Anh
Bé trai bị sốc sốt xuất huyết phải truyền 2 lít máu
Sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện địa phương, bé M. (13 tuổi, ngụ Trà Vinh) trở nặng, biến chứng suy đa cơ quan, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp vì sốc sốt xuất huyết.