- Phương tiện thô sơ, dùng sức người để vận hành chiếc phà nặng hàng trăm tấn, thật khó để tìm ra một bến phà nào như thế. Ấy vậy mà tại khúc sông nối liền hai xã Sơn Đông huyện Lập Thạch và Việt Xuân huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) lại có bến phà kéo dây tồn tại hàng chục năm nay.

Bến phà độc nhất vô nhị

Xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch được dòng sông Phó Đáy và sông Lô bao quanh bồi  đắp, biến nơi đây trở thành một bán đảo ba mặt là nước.

Tại vùng giáp ranh hai xã, hai huyện này, chục năm nay dòng Phó Đáy “già” đi, thu hẹp lại như một con kênh do quá trình bồi tụ. Việc dùng sức máy để vận hành phà đi vài chục mét là rất tốn kém song nhu cầu thông thương , đi lại vẫn phải đáp ứng.

Chuyến phà "đu dây" tồn tại trên sông Phó Đáy nhiều năm nay.

Ý tưởng có một không hai đã được ra đời và áp dụng ngay tại bến phà này. Đó là dùng sức người để kéo phà qua sông. Điểm tựa của cả phà là một sợi dây thừng to bằng cổ tay được luồn vào trong chiếc phà theo chiều dọc vắt ngang qua sông.

Mỗi đầu dây được buộc cố định vào hai cột bê tông chôn thấp hơn so với mặt đất trên bờ, khi mưa xuống nước tràn vào che lấp hai điểm cố định này, chỉ để lại một vũng nước nhỏ chìm lấp trong bãi cỏ. Tổ vận hành lúc nào cũng có 3 - 4 người làm việc liên tục.

Sợi dây "tời" chiếc phà di chuyển sang hai bên bờ sông...

Mỗi người trong tổ cầm một thanh gỗ được đẽo cho phù hợp để kẹp vào dây thừng sau đó dùng sức mạnh kéo dây đến đâu phà dịch chuyển đến đó.

Trung bình mỗi lần di chuyển như thế chỉ mất có 15 – 25 phút. Cách làm đơn giản nhưng trung bình mỗi ngày phà đã đưa được 700 đến 800 người cùng các phương tiện xe đạp, xe máy ngay cả ô tô qua sông mà vận tốc không bị ảnh hưởng nhiều.

Chị Nguyễn Thị Hòa, một thành viên trong tổ vận hành phà cho biết: Một ngày làm việc của bến phà bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 21 giờ, buổi trưa công nhân nghỉ luôn tại bến. Lệ phí 2.000 đồng/người/lượt, ai có thêm xe máy thì tính giá gấp đôi, ô tô thì 15.000-30.000 đồng/lượt, tùy vào trọng tải của xe.

Giá quy định là thế nhưng nhiều hành khách là học sinh hoặc người già nhà phà vẫn chở miễn phí. 

Thông thương trúc trắc

Phà Phú Hậu không phải là con đường duy nhất để đến với Sơn Đông. Hai con đường khác, một là đi vòng lên cầu Việt Trì (TP Việt Trì) cách đó 5km sau đó ngược xuống. Con đường thứ hai dài hơn phải vòng qua cầu Bến Gạo thuộc xã Đồng Ích cách đó đến hơn 20km rồi ngược lên.

Vì thế, phà dây Phú Hậu trở thành lựa chọn ưu tiên của người dân nơi đây, vừa tiết kiệm chi phí xăng xe, vừa tiết kiệm thời gian đi lại.

Đầu của sợi dây chão dùng để kéo phà di chuyển.

Mặc dù theo lời khẳng định của những công nhân tổ lái là chưa từng có sự cố nào xảy ra, nhưng chứng kiến cảnh con phà cùng hàng chục hành khách, của cải trên đó neo vào sợi dây thừng thật không khỏi rùng mình.

Anh Nguyễn Xuân Thắng ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) hiện đang sinh sống tại Hà Nội, lái chiếc xe con 7 chỗ xuống bến phà dây cho biết: “Tôi hay đi qua phà này, biết là nó hơi nguy hiểm nhưng đi vòng đường kia thì xa quá, nhà tôi ngay bên kia sông”.

Tuy lượng tải lớn nhưng không phải lúc nào hoạt động của phà cũng diễn ra thuận lợi. Vào mùa nước nổi, nước sông “ăn” phần lớn ngôi làng nhỏ ven sông. Bến phà dây phải ngừng hoạt động. Đến mùa nước cạn, chiếc phà nằm bất động, lại biến thành một cây cầu nối hai bên cho người và xe qua lại.

Khóa chốt phà cũng làm bằng... cán gỗ!

Ngay cả trong lúc mực nước trên sông thích hợp thì bến phà đôi khi cũng bị gián đoạn. Với vị trí đắc địa, hàng ngày có rất nhiều tàu, xà lan chở cát chạy dọc qua bến phà Phú Hậu, ngoài ra còn có tàu thuyền chở hàng hóa từ nơi khác đến Việt Trì. Điều này ảnh hưởng tới thời gian làm việc của nhà phà và khách đi lại.

Thật khó có thể hình dung được một bến phà đông người qua lại như phà Phú Hậu lại tồn tại cả chục năm nay. Mặc dù trên phà đã được trang bị phao cứu sinh cả mới và cũ nhưng nó vẫn không đủ đáp ứng những quy định của luật tham gia giao thông đường thủy, nhất là mái che chắn của chiếc phà chỉ bằng tấm bạt được buộc với 6 cột sắt dựng trên phà, lan can bảo vệ thấp rất nguy hiểm khi có trẻ con.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tĩnh, trưởng công an xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường cho biết: “Phương án xây cầu bắc qua sông Phó Đáy để nối liền hai xã đã được tính toán từ lâu, nhưng chưa thực hiện được vì lí do kinh phí lớn. Chính quyền và nhân dân xã chúng tôi vẫn luôn khao khát sớm có một cây cầu như thế để việc đi lại của bà con an toàn, nhanh chóng, thuận lợi phát triển kinh tế hơn”.

  • Mai Phương - Minh Phương