Hiệu quả quản trị và hành chính công được cải thiện tích cực

Hôm 18/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính (CCHC): Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS), Chỉ số CCHC (PAR IDEX) và công bố Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS của các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố năm 2022.

Quang cảnh Hội nghị phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính 

Năm 2022, kết quả Chỉ số PAPI của Bến Tre đứng vị trí thứ 50/63 tỉnh, thành phố (đạt 40,59 điểm), tăng 6 bậc về xếp hạng so với năm 2021. Trong đó, có 04/8 chỉ số thành phần tăng điểm hơn so với năm 2021 (Công khai, minh bạch; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công); 01 chỉ số thành phần không cải thiện, đó là Quản trị điện tử; 03/8 chỉ số thành phần giảm điểm (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Trách nhiệm giải trình với người dân; Quản trị môi trường).

Theo bảng dữ liệu công bố của VCCI Việt Nam, Chỉ số PCI của Bến Tre đạt 68,04 điểm (tăng 1,7 điểm), tăng 5 bậc so với năm 2021, xếp thứ hạng 13/63 tỉnh, thành phố, xếp vị trí thứ 4/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; kết quả trên cho thấy thời gian qua, chính quyền tỉnh đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh cũng như CCHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, việc nâng thứ hạng chỉ số PCI được xem là đòn bẩy giúp tỉnh thu hút được nhiều nhà đầu tư, tạo thêm niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.

Còn theo đánh giá của Bộ Nội vụ, Chỉ số PAR INDEX tỉnh Bến Tre đạt 81.20% (giảm 5.32% so với năm 2021), xếp 56/63 cả nước, giảm 19 bậc so với năm 2021 (hạng 37/63); xếp 13/13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (giảm 10 bậc), thấp nhất về điểm số và thứ hạng, thấp hơn chỉ số trung bình của khu vực (84.43).

Về tổng thể, có 4/8 lĩnh vực tăng điểm, 4 lĩnh vực giảm điểm so với năm 2021; lĩnh vực tăng nhiều nhất là Chỉ đạo, điều hành; lĩnh vực giảm nhiều nhất là Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Năm 2022, có 3 lĩnh vực đạt trên 90% (Công tác chỉ đạo, điều hành, Cải cách thể chế, Cải cách TTHC); 3 lĩnh vực dưới 80% (Cải cách tài chính công, Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội, Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số). Lĩnh vực đạt chỉ số cao nhất là Công tác chỉ đạo, điều hành (94.32%). Kế đến là Cải cách thể chế (91.43%), Cải cách thủ tục hành chính (90%). Ba lĩnh vực thấp điểm nhất: Cải cách tài chính công (75.33%), Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội (70.16%) và Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số (67.53%).

Cũng theo đánh giá của Bộ Nội vụ Chỉ số SIPAS của Bến Tre năm 2022 đạt 78.41% - hạng 41/63, giảm sâu so với năm 2021; có chỉ số và thứ hạng thấp nhất từ trước tới nay (chỉ số giảm 8.89%, thứ hạng giảm 15 bậc so năm 2021). Từ năm 2017 đến năm 2021, chỉ số này dao động từ 86.5% đến 88.5%, trong đó cao nhất là năm 2017 (88.49%, hạng 9/63). Theo phân loại đơn vị hành chính, trong nhóm 37 tỉnh loại II, Bến Tre xếp thứ hạng 22/37, có chỉ số thấp hơn chỉ số trung bình của nhóm này (79.89%). Trong nhóm 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre đứng thứ hạng 9/13, có chỉ số thấp hơn chỉ số trung bình của nhóm này (79.62%).

Tiếp tục cải thiện điểm, nâng cao thứ hạng của các chỉ số

Tại Hội nghị, Bến Tre đã công bố Quyết định của UBND tỉnh về Công bố Chỉ số PAR INDEX 2022 của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố. Theo đó xếp hạng cao nhất là Sở Công Thương (98.56%) và huyện Giồng Trôm (94,34%). Đối với Chỉ số SIPAS, xếp hạng cao nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường (99,39%) và huyện Mỏ Cày Bắc (98,33%).

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam yêu cầu người đứng đầu các các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên cơ sở các tồn tại, hạn chế đã chỉ ra, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan để chủ động, khẩn trương có giải pháp khắc phục trong thời gian tới nhằm duy trì, cải thiện điểm, nâng cao thứ hạng của các chỉ số, đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và triển khai có hiệu quả công tác CCHC trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Trong đó, tập trung một số nội dung:

Đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên cơ sở các tồn tại, hạn chế đã chỉ ra, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan để chủ động, khẩn trương có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Rà soát các nhiệm vụ, đầu công việc được phân công trong Bản Cam kết để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Định kỳ tháng, quý kiểm tra việc thực hiện và báo cáo về Sở Nội vụ theo dõi, tổng hợp.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ vào các báo cáo phân tích, đánh giá kết quả và giải pháp đề xuất, các ý kiến thảo luận và giải trình của các sở, ngành tại Hội nghị này, để xác định các tiêu chí, tiêu chí thành phần mà ngành, địa phương phụ trách có điểm số và thứ hạng cao thì tiếp tục duy trì và phát huy các giải pháp hiệu quả; đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần giảm điểm, giảm hạng thì khẩn trương thực hiện các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục và cải thiện.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan nhà nước các cấp gắn với thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về CCHC giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến 2030, Kế hoạch số 6600/KH-UBND ngày 12/10/2021 của UBND tỉnh về CCHC giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bến Tre; triển khai và thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cửu Long