Ông ngồi bất động tựa lưng vào vách của một căn nhà trong hẻm. Đôi mắt lãng đãng nhìn về phía xa. Gần đó, một bà cụ da mồi tóc bạc đăm chiêu nhìn ông. Cả hai người, không ai nói với ai một lời nào. Con hẻm vào buổi chiều sau cơn mưa trở nên vắng lặng.

{keywords}
Nhà quá hẹp (mũi tên) khiến ông bà chỉ biết dựa lưng vào con hẻm. Trước nhà nồi trứng vịt lộn (vòng tròn) chờ khách đến mua.

Hàng chục năm nay, ngày nào cũng thế. Cuộc sống của đôi vợ chồng già gắn liền với con hẻm. Buổi sáng, thức dậy vệ sinh cá nhân xong ông làm vài động tác thể dục rồi tản bộ trên đường trong khoảng một giờ. Sau đó, ông trở về, cầm chổi quét dọn con hẻm thật sạch rồi lấy nồi niêu ra nấu cơm cho cả nhà ăn trong một ngày. Giờ rảnh, ông lấy ghế ngồi trước nhà tựa lưng vào vách ...

Bà cũng vậy. Phụ ông xong công việc, bà mới nhóm bếp để luộc nồi trứng vịt lộn. Từ nhiều năm nay, mỗi ngày bà chỉ bán được tối đa 25 trứng, kiếm được khoảng 30.000 đồng. Cũng như ông, bà tựa lưng vào vách của căn nhà gần đó chờ người đến mua.

{keywords}
Bên trong căn nhà. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.

Nhà của ông bà ngay đó nhưng nếu chỉ thoáng qua không ai biết đó là một căn nhà. Đã đi rất nhiều con hẻm ở TP.HCM, có thể nói chúng tôi chưa thấy căn nhà nào nhỏ hơn căn nhà này.

Nằm sâu trong con hẻm đường Vĩnh Viễn (P.4, Q.10, TP.HCM), diện tích sàn của căn nhà chỉ vỏn vẹn... 7,5m2, là chỗ tá túc của 4 con người từ hàng chục năm qua. Và cũng chính vì quá chật hẹp nên sinh hoạt của ông bà đều nhờ vào con hẻm. Chỉ đến khi màn đêm buông xuống, ông bà mới vào nhà để tìm quên trong giấc ngủ.

Ông là Nguyễn Văn Tôn năm nay 83 tuổi. Quê ở Gò Đen (Bến Lức - Long An). Năm 20 tuổi, ông lên Sài Gòn tìm đến nhà dì để tá túc sống bằng nghề thợ hồ.

'Công việc làm ăn suôn sẻ nhưng năm 1970 thì dì mất. 2 người con của dì bán căn nhà mình đang ở để chia nhau. Không còn nơi để ở, tôi xin ở lại con hẻm cụt bên hông nhà. Căn nhà của tôi có từ đó', ông nói.

{keywords}
Diện tích nhà chật, khu vực tầng trệt sau khi để đồ chỉ có một lối đi nhỏ hẹp, việc lên xuống các tầng cũng khó khăn. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.

'Con hẻm chỉ rộng 1m và dài 7,5m. Lợi dụng hai bên là tường nhà kế cận, tôi chỉ lợp mái và nâng thành 2 tầng với một gác lửng. Tất cả đều bằng gỗ tạm bợ. Phía trước nhà tôi dùng một tấm ván làm cửa che tạm. Năm 1981, phường có hỗ trợ làm lại cửa trước.

Tôi đưa vợ tôi từ quê lên để cùng làm việc mưu sinh. Bà vào làm hộ lý ở bệnh viện An Bình. Cứ thế mà qua ngày. Chúng tôi có một đứa con gái. Lớn lên, nó lấy chồng, sinh con. Con nó lớn lập gia đình và có một đứa cháu. Vợ chồng đứa con nó không hạnh phúc, bỏ nhau, gửi con lại cho mẹ. Khi chồng con gái tôi mất, nó mang đứa cháu ngoại về sống cùng chúng tôi.

Tính đến nay, căn nhà đã có hơn 40 năm tồn tại. Hàng ngày, vợ chồng tôi làm lụng bán buôn lặt vặt trong hẻm quanh nhà. Con gái tôi đã 53 tuổi đi làm cho quán cơm tấm. Cháu nó mới 12 tuổi đang theo học cấp 2 trong phường. Cuộc sống đắp đổi qua ngày...', ông Tôn bộc bạch.

Ông mời chúng tôi vào nhà. Tầng trệt chật cứng. Hai chiếc xe đạp làm hẹp lối đi. Đồ đạc để ngổn ngang. Bếp và nhà vệ sinh ở cuối nhà. Chúng tôi bước lên chiếc thang tre để lên tầng trên. Ngổn ngang đồ đạc nhưng cũng còn một chỗ trống. 'Chỗ ngủ của con và cháu tôi', ông nói.

{keywords}
Cũng vì diện tích nhỏ hẹp mà không gian bên trong lúc nào cũng như ban đêm. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.

Lên thêm tầng trên nữa. Trên này thoáng hơn các tầng dưới. Ít đồ đạc và có một chỗ trống sạch sẽ. Một chiếc TV rất cũ, một chiếc quạt điện loại nhỏ và chăn gối. 'Vợ chồng tôi ngủ ở đây. Hẹp lắm, không thể cùng nằm ngang được, tôi và bà ấy phải xoay ngược đầu với nhau để nằm' ông giãi bày.

Đi suốt từ tầng trệt đến 2 tầng lầu, chúng tôi không thấy có một món đồ nào đáng giá. Lên được đến tầng trên cùng là cả một vấn đề. Cầu thang nhỏ hẹp không tay vịn, không chỗ tựa, khi đi phải bám vào các bậc thang mới có thể lên xuống được. Vậy mà hai ông bà hàng ngày vẫn sinh hoạt bình thường.

Ông Châu Văn An, Phó Chủ tịch UBND Phường 4 cho biết, gia đình ông Tôn được xếp vào diện hộ nghèo. Cuộc sống gia đình rất khó khăn. Năm 2013 phường đã hỗ trợ chống dột cho căn nhà của ông bà. Ngoài các chế độ dành cho hộ nghèo, phường còn dành cho gia đình ông những xuất quà trong dịp lễ Tết...

Chúng tôi cũng mong ông bà có thể sống thật vui, thật hạnh phúc trong những ngày cuối đời mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả.

Gã giang hồ Sài Gòn được cả Làng đại học kính nể là ai

Gã giang hồ Sài Gòn được cả Làng đại học kính nể là ai

'Nhiều người hỏi tôi, anh không sợ chúng hại anh sao? Tôi trả lời ngay, một thân một mình sao tôi phải sợ bọn chúng'.

Trần Chánh Nghĩa