Các nhà khoa học Đan Mạch phát hiện khí cacbonic trong không khí tác động vào chất truyền dẫn thần kinh, làm giảm hiệu quả của hoạt động thông báo cho não khi cơ thể đã no khiến người ta ăn nhiều hơn và dẫn đến béo phì.

Lượng khí CO2 trong không khí có ảnh hưởng tới cân nặng của con người. Ảnh minh họa.
Các nhà khoa học Trường ĐH Glostrup (Đan Mạch) do giáo sư Lars Georg Hersug đứng đầu cho rằng hàm lượng khí cacbonic trong khí quyển có liên quan chặt chẽ với số người béo ở một nước.  Việc đối chiếu hàm lượng CO2 và số người bị thừa cân trong 22 năm đã khăng định được mối liên quan này. Tăng lượng khí thải CO2 vào khí quyển thì số người gầy và trung bình bắt đầu tăng trọng lượng cũng tăng lên.

Giáo sư Hersug cho biết:  "Người ta thường quan niệm chế độ ăn không thích hợp và cách sống ít vận động là nguyên nhân của béo phì, nhưng các số liệu thu thập được suốt 22 năm qua của Đan Mạch đã cho phép chúng tôi kết luận: sự tăng cân của người Đan Mạch song hành cùng sự tăng lượng khí cacbonic trong khí quyển. Mối liên quan ấy được khẳng định bằng những tính toán số học cũng như các thống kê của chúng tôi".

Vì sao khí cacbonic lại kích thích sự tăng cân của con người?

Các nhà khoa học Đan Mạch đưa ra một giả thuyết mới để giải thích điều này: chính là vì khí cacbonic đã tác động lên các chất truyền dẫn thần kinh có bản chất protein là chất orexin, vốn có nhiệm vụ đưa lên não cảm giác no và chỉ huy việc tiêu thụ năng lượng. Do tác động của CO2, chất orexin không làm được nhiệm vụ của mình, nên xuất hiện cảm giác thèm ăn, dẫn đến béo phì.

Orexin không chỉ kích thích sự tiếp nhận thực phẩm của cơ thể. Nó còn ảnh hưởng cả đến thời gian ngủ của mỗi người. Nghiên cứu tiếp theo của các nhà khoa học Đan Mạch là làm rõ hơn vai trò của khí cacbonic đối với cơ thể.

Có thể nghiên cứu này của các nhà khoa học Đan Mạch  sẽ được dùng làm cơ sở để người ta chế ra những loại thuốc ăn kiêng mới.

Bảo Châu