- Đái dầm là chứng bệnh tiểu không tự chủ thường gặp ở khoảng 10% số trẻ em từ 5 đến 6 tuổi. Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng phổ biến hơn vào ban đêm trong khi ngủ.
Đái dầm có thể là căn bệnh tự phát hoặc do căng thẳng nhưng nó cũng có thể là một dấu hiệu của rối loạn khác như: nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm bàng quang), đái tháo đường, táo bón.
Phần lớn trẻ em giữ được khô ráo về đêm khi 3-5 tuổi. Trẻ đạt được điều này nhờ hai cách: Thứ nhất, bàng quang gửi tín hiệu tới não nói rằng túi đã đầy, não sẽ gửi tín hiệu ngược lại, ra lệnh cho bàng quang giãn ra để có thể chứa thêm nước tiểu. Thứ hai, nếu bàng quang không thể giữ toàn bộ nước tiểu cho tới sáng, nó sẽ tiếp tục gửi tín hiệu tới não cho tới khi trẻ thức dậy và đi vệ sinh. Đái dầm xuất hiện nếu trẻ chậm phát triển một trong hai kỹ năng nói trên.
Đái dầm là một trong những bệnh gây ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng, tạo ám ảnh, mất tự tin ở người bệnh. Không chỉ trẻ em mà người trưởng thành cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Điều trị bệnh đái dầm không khó nhưng bạn cần vượt qua những trở ngại về tâm lý và có những hiểu biết đúng về bệnh đái dầm.
Bệnh đái dầm thường được chia làm hai loại: đái dầm tiên phát và đái dầm thứ phát.
Bệnh đái dầm tiên phát
Đái dầm tiên phát là khi trẻ chưa bao giờ có khả năng giữ khô liên tục trong 6 tháng, đây là dạng đái dầm phổ biến nhất.
Bệnh đái dầm do yếu tố di truyền trong gia đình (bố hoặc mẹ từng mắc bệnh đái dầm).
Một vài nguyên nhân dẫn đến đái dầm tiên phát:
- Không thể giữ nước tiểu cho toàn bộ đêm.
- Không được đánh thức khi bàng quang đã đầy.
- Ít có thói quen đi vệ sinh vào ban ngày.
Bệnh đái dầm thứ phát
Đái dầm thứ phát là khi trẻ từng hoàn toàn khô ráo về đêm trong 6 tháng nhưng sau đó lại đái dầm.
Ở dạng thứ phát, điều mấu chốt là tìm kiếm những thay đổi mới xảy ra: căng thẳng tâm lý mới xuất hiện (cha mẹ ly dị, chuyển nhà, người thân qua đời...), thay đổi thể chất (bệnh nhiễm trùng tiết niệu hay tiểu đường), thay đổi tình huống (thay đổi chế độ ăn uống hay thói quen đi ngủ). Rõ ràng là có gì đó khác thường.
Nguyên nhân dẫn đến đái dầm thứ phát
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Bệnh tiểu đường.
- Các vấn đề về tâm lí, tình cảm.
- Cấu tạo bất thường trong các cơ quan, cơ hoặc dây thần kinh liên quan đến việc đi tiểu.
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy khoảng 9% trẻ em trong cộng đồng mắc chứng đái dầm. Khi lên 5 tuổi, khoảng 20% trẻ em mắc chứng này, tỉ lệ giảm xuống còn 1% ở tuổi 16. Đái dầm tự khỏi cùng với thời gian, mỗi năm khoảng 15% trẻ thoát khỏi tình trạng này mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu không điều trị, một số trẻ sẽ đái dầm suốt đời.
Dù là ở người trưởng thành hay trẻ em thì hãy bĩnh tĩnh khi phát hiện mình đái dầm. Theo dõi thường xuyên những thay đổi của cơ thể để xem đái dầm là “không may” hay là bệnh lý mà bạn đang mắc phải để có những liệu pháp điều trị phù hợp.
Thái Thị Hậu