- Đã từng xảy ra 2 vụ chết người do bệnh viện này xét nghiệm, nhưng bệnh viện khác cho ra kết quả ngược lại; thậm chí kết quả xét nghiệm sai lệch dẫn tới…hậu họa.


Đến bác sĩ còn bị làm khó…


PGS – TS, bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Chuyên khoa Xương khớp Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Đại học Y dược TP.HCM cũng từng là nạn nhân của việc các bệnh viện không tin kết quả xét nghiệm của nhau.

Bác sĩ Thắng cũng gặp phiền toái vì chuyện xét nghiệm. Ảnh: Thanh Huyền.

Bác sĩ Thắng kể: “Bản thân tôi có em gái bị bướu cổ. Tôi cho em mình làm các xét nghiệm và chụp phổi tại Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình cho nhanh. Tuy nhiên, khi sang bệnh viện khác, nó phải làm lại hết xét nghiệm, ngay cả phim phổi cũng phải chụp lại.

Xét nghiệm thì thôi, tôi không nói nhưng phim phổi chụp ở đâu mà chẳng như nhau. Đọc ra kết quả khác nhau là do năng lực, trình độ của bác sĩ chứ không phải tại phim chụp. Mình là người trong nghề mà còn vất vả thế hỏi sao người dân không kêu?”

Một nữ bác sĩ xin được giấu tên, làm việc tại một bệnh viện trên địa bàn quận 7 cũng rất bức xúc về câu chuyện “loạn” xét nghiệm. Bản thân bác sĩ này bị bệnh tim mạch. Bệnh viện chị đang làm không chuyên về tim nên chị sang bệnh viện khác khám. Tại đây, chị được yêu cầu làm một số xét nghiệm.

Thấy bệnh nhân quá đông, những xét nghiệm thông thường ở viện mình công tác cũng làm được nên chị quay về cơ quan. Sau khi làm xong xét nghiệm, chị quay lại bệnh viện kia khám. Những xét nghiệm của chị không được chấp nhận, bị yêu cầu làm lại hết.

“Bác sĩ mà còn thế thì bệnh nhân họ khổ đến cỡ nào?”, vị nữ bác sĩ lắc đầu.

Các bệnh viện cần có một “trọng tài”

Bác sĩ Thắng cho biết các bệnh viện từ trước đến nay không tin kết quả xét nghiệm của nhau là đương nhiên: “Bệnh viện nào cũng chỉ tin kết quả của mình là đúng. Tôi cũng nghe không ít phàn nàn về việc một bệnh nhân đi xét nghiệm mà mỗi kết quả của các bệnh viện lại một kiểu.”

Theo bác sĩ Thắng có chuyện như vậy xảy ra do máy móc xét nghiệm của ta chưa được chuẩn hóa, đồng bộ và các bệnh viện cũng chưa có một “ông trọng tài”. Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Y tế đã cho thành lập Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Đại học Y dược TP.HCM. Trung tâm này được Bộ Y tế thẩm định.

“Khi các bệnh viện đăng ký tham gia vào trung tâm, theo định kỳ chúng tôi sẽ gửi mẫu yêu cầu họ làm xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm của bệnh viện đó nằm trong mức cho phép thì sẽ được cấp giấy chứng nhận. Nếu kết quả xét nghiệm sai chúng tôi sẽ thông báo để họ biết mà điều chỉnh. Những bệnh viện đã được trung tâm kiểm chuẩn và cấp giấy chứng nhận thì phải công nhận kết quả xét nghiệm của nhau.” - bác sĩ Thắng nói.

Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Đại học Y dược TP.HCM mới được thành lập hơn 1 năm nay. Bước đầu, Trung tâm đã ra quân được 3 đợt, mỗi đợt giúp kiểm chuẩn máy xét nghiệm cho 120 cơ sở (miền Bắc 60 cơ sở, miền Nam 60 cơ sở).

Dự tính trong thời gian không xa những bệnh viện, cơ sở y tế tham gia sẽ được trung tâm cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm chuẩn. Thời hạn giá trị của chứng nhận này dự tính trong vòng 2 tháng. Từ đó, bệnh nhân của những bệnh viện đã được kiểm chuẩn không phải mất công làm lại các xét nghiệm không cần thiết nữa. Tuy nhiên, riêng đối với các xét nghiệm máu sau 3 tuần bệnh nhân buộc phải làm lại, bởi đời sống của hồng cầu chỉ là 21 ngày.

Cách đây chừng 6 tháng TAND huyện Thanh Trì, Hà Nội đã xét xử ba bác sĩ, kỹ thuật viên Bệnh viện đa khoa Thanh Trì vì “vi phạm quy định về chữa bệnh”. Cụ thể, bệnh nhân mang nhóm máu O, nhưng vì kỹ thuật viên xét nghiệm cho kết quả là nhóm máu AB, bác sĩ đã truyền nhầm nhóm máu dẫn đến bệnh nhân tử vong.

Tương tự, một bệnh nhân nam, ngụ tại tỉnh Bình Phước cũng đã tử vong do kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là âm tính với virus H5N1 nhưng Viện Pasteur TP. lại cho ra kết quả dương tính.

Thanh Huyền