Bệnh nhân tên N.V.Đ., 37 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội, được ghép hai phổi từ người hiến đa tạng chết não.
Ngày 7/5, anh Đ. vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng suy hô hấp nặng, khó thở, vã mồ hôi, thể trạng suy kiệt, mạch nhanh, được cấp cứu thở máy không xâm nhập ngay sau khi nhập viện.
Trước đó, người đàn ông có thời gian dài mắc bệnh phổi mô kẽ tiến triển khá cấp tính, đã sử dụng thuốc kháng sinh và điều trị tích cực tại nhiều bệnh viện, toàn trạng rất yếu.
Đây là bệnh lý phổ biến thứ hai trên thế giới về chỉ định ghép phổi.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành khám, xét nghiệm, mời các chuyên gia đầu ngành hội chẩn, chỉ định ghép phổi dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bệnh nhân Đ. thuộc đối tượng ghép phổi có nguy cơ cao do thể trạng suy kiệt, chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp, bệnh nhân chỉ sinh hoạt tại giường, thở oxy liên tục, chức năng các cơ quan không tốt vì bệnh phổi giai đoạn cuối nên, dinh dưỡng kém, thể trạng suy kiệt…
Bởi vậy, bên cạnh chỉ định ghép phổi, bệnh nhân tiếp tục được điều trị chống nhiễm khuẩn hệ hô hấp, tập phục hồi chức năng, nuôi dưỡng dinh dưỡng tích cực trong khi chờ ghép.
Ngày 13/5, có 1 bệnh nhân không may mắn bị chết não do chấn thương sọ não, người nhà đã tình nguyện hiến đa tạng bao gồm: 1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận.
Sau khi hội chẩn, đánh giá hai phổi của người hiến phù hợp với bệnh nhân Đ., kíp phẫu thuật do PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức làm trưởng kíp, đã thực hiện thành công ca ghép hai phổi.
Các bác sĩ trong ca phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân N.V.Đ. |
Sau ghép, anh Đ. được chuyển về điều trị tại khoa Hồi sức tích cực sau mổ, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực.
Các bác sĩ chia sẻ, quá trình hồi sức ca bệnh này phải kéo dài với nhiều khó khăn, thách thức vì trên nền bệnh nhân suy kiệt, các cơ yếu, tình trạng nhiễm trùng phổi sau ghép kéo dài, sự phục hồi niêm mạc đường hô hấp diễn ra rất chậm.
Công tác săn sóc đường hô hấp cũng rất kỳ công, như việc soi, hút hàng ngày, tập lý liệu pháp hô hấp phục hồi chức năng hô hấp và ho khạc đờm, tránh ứ đọng có thể làm tình trạng nhiễm trùng phổi nặng hơn.
Rất may mắn, dù gặp rất nhiều khó khăn, bằng kinh nghiệm của những lần thực hiện ghép phổi thành công cho các ca bệnh khó, kíp bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiên lượng và xử lý được tất cả các yếu tố nguy cơ xảy ra.
Sau hơn 3 tháng hồi sức tích cực sau ghép, bệnh nhân đã tự thở, ho khạc tốt, nói chuyện, đi lại được, ăn uống tốt. Tới nay, người này đã đủ điều kiện ra viện và được hẹn khám kiểm tra định kỳ.
“Khi nghe tin được ra viện, trở về bên gia đình, tôi hồi hộp, vui mừng khôn xiết. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn. Các bác sĩ đã cứu cuộc đời tôi”, bệnh nhân Đ. chia sẻ.
Bệnh nhân Đ. cùng vợ và các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức |
Được biết, đây là ca ghép phổi thứ 8 tại Việt Nam và là ca thứ 5 được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hoàn toàn do các thầy thuốc Việt Nam tự thực hiện.
Trường hợp anh N.V.Đ. cũng là ca “bệnh phổi mô kẽ” đầu tiên được ghép phổi tại nước ta. Điều này rất có ý nghĩa, vì căn bệnh này chiếm tới gần 30% số ca được ghép phổi trên thế giới và có tiên lượng điều trị sau ghép dè dặt nhất.
Nguyễn Liên
Vụ pate Minh Chay: 10 ngày 'chạy đua' mang thuốc giải độc 185 triệu/lọ về Việt Nam
Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế, WHO đã phải làm việc rất gấp rút để có thể đưa 2 lọ thuốc giải độc từ Thái Lan về Việt Nam trong 10 ngày.
Bộ TT&TT và Bộ Y tế vừa thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc ứng dụng Bluezone để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng này giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.