- Một bệnh nhân vừa tử vong trên đường chuyển lên tuyến trên cấp cứu. Sự việc khiến người nhà vô cùng bức xúc và cho rằng nguyên nhân là do bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) quá tắc trách.

Suốt 7 giờ không "bắt" được bệnh

Chiều ngày 14/2, thi thể của anh Đỗ Văn Đô (46 tuổi, trú xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng là công nhân làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng) vẫn đang nằm lại tại bệnh viện ĐK Hà Tĩnh.

Người thân đang vô cùng đau đớn và bức xúc khi cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết quá nhanh cho bệnh nhân là lỗi tắc trách của bệnh viện.

{keywords}
Thi thể bệnh nhân Đô đang chuẩn bị đưa về quê mai táng

Anh Vũ Văn Sự (39 tuổi, trú xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) người nhà nạn nhân bức xúc và khẳng định sẽ yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm của bệnh viện.

Theo anh Sự, khoảng 7h sáng 14/2, sau khi anh Đô kêu đau bụng, mọi người đã đưa anh đến bệnh viện ĐK Kỳ Anh cấp cứu.

Tiếp nhận bệnh nhân, tiến hành các xét nghiệm, điều trị, đến đầu giờ chiều cùng ngày thì bác sĩ bảo cho chuyển lên tuyến trên vì tình trạng bệnh nhân quá nặng.

"Họ làm thủ tục rườm rà, chậm trễ rồi khi chuyển viện thì không có y, bác sĩ hộ tống chăm sóc trên xe nên chú Đô mới chết trên đường.” anh Sự bức xúc.

Anh Đỗ Văn Hưng (30 tuổi, trú xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, người nhà của bệnh nhân Đô) cũng khẳng định anh là người đưa anh Đô đi nhập viện nên hơn ai hết, anh thấy rõ sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm của ê kíp chăm sóc bệnh nhân.

{keywords}
 Người thân bức xúc phản ánh tắc trách của bệnh viện Kỳ Anh

“Mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra để trả lại công bằng cho chú tôi. Nếu bệnh viện Kỳ Anh sớm chuyển viện và có người chăm sóc bệnh nhân trên xe chu đáo thì đâu đến nỗi chú tôi phải ra đi nhanh như thế.”, anh Hưng nghẹn ngào.

Bác sĩ Hoàng Quang Trung, Trưởng khoa Cấp cứu chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, khoảng 16h ngày14/2, Khoa tiếp nhận bệnh nhân Đô trong tình trạng đã ngừng tim, ngừng tuần hoàn.

Tuy nhiên, ê kíp trực của khoa vẫn tiến hành các biện pháp chuyên môn như vận mạch, ép tim, bóp bóng… nhưng không có kết quả. Thực tế, bệnh nhân Đô đã tử vong trước lúc đến viện.

Bệnh viện có sai sót

GĐ Bệnh viện ĐK huyện Kỳ Anh, bà Phạm Thị Xuân Liễu cho biết, bệnh nhân Đô nhập viện lúc 6h56 ngày 14/2. Qua kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị chướng bụng, buồn đi tiểu.

Ngay sau đó, các y, bác sĩ đã đặt thông tiểu, lấy ra được khoảng 200 ml nước tiểu.

Tiến hành siêu âm, chụp phim cho thấy bụng nhiều hơi nhưng kết quả thì chưa thấy gì đặc biệt.

{keywords}
Bà Liễu thừa nhận có sai sót của y tá áp tải bệnh nhân khi chuyển viện.

Sau đó làm thủ tục nhập vào khoa Ngoại lúc 8h. Tại đây, các bác sĩ thăm khám đã làm các xét nghiệm sinh hóa, huyết học.

Khoảng 2h đồng hồ sau thì cho kết quả men gan tăng nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân cụ thể khiến bệnh nhân đau bụng.

"Khoảng 14h chúng tôi tiếp tục hội chẩn và tiên lượng bệnh nhân nặng nên tư vấn cho chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Những người đưa bệnh nhân nhập viện sau đó đã gọi điện thoại xin ý kiến của lãnh đạo công ty của họ rồi tiến hành chuyển viện.

Thời gian kéo dài là do họ chờ ý kiến của lãnh đạo công ty, chứ về phía bệnh viện thì đó vẫn đang là khoảng thời gian cho phép để tiến hành kiểm tra, theo dõi", bà Liễu nói.

Về vấn đề người nhà bệnh nhân phản ánh dù bệnh nhân chuyển viện trong tình trạng nguy kịch nhưng không có y, bác sĩ hộ tống chăm sóc trên xe, bà Liễu khẳng định vẫn có một y tá tên Ngọc đi theo xe để chăm sóc.

Tuy nhiên, anh này đã không ngồi sau xe chăm sóc bệnh nhân mà lại ngồi phía trước đầu xe.

"Rõ ràng đó là sai sót của y tá áp tải bệnh nhân. Vấn đề này chúng tôi sẽ làm rõ trong kiểm thảo bệnh nhân tử vong và sẽ xử lý, kiểm điểm nghiêm túc", bà Liễu khẳng định.

Bà Liễu cũng thành thật, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải thích được nguyên nhân vì sao bệnh nhân Đô tử vong.

Dự kiến sáng thứ 2 (17/2) bệnh viện sẽ tiến hành kiểm thảo về trường hợp bệnh nhân Đô tử vong sau đó sẽ xử lý trách nhiệm của từng cá nhân.

Trần Văn