Ngày 7/5, bệnh viện K Tân Triều bị phong tỏa, không tiếp nhận thêm bệnh nhân. |
Nằm đối diện cổng chính Bệnh viện K Tân Triều, "xóm ung thư" (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) là nơi tá túc của hàng trăm bệnh nhân điều trị ung thư. Từ khi viện bị phong tỏa do có 11 ca Covid-19, con ngõ vốn nhộn nhịp người vào ra bỗng vắng lặng. Bệnh nhân không thuộc diện cách ly trú ngụ trong "xóm ung thư" hoang mang, bắt xe về quê tránh dịch, còn một số người quyết định ở lại chờ cơ hội tiếp tục xạ trị.
Xóm trọ đối diện cổng chính Bệnh viện K Tân Triều là nơi tá túc của hàng trăm bệnh nhân. |
Thu mình trên chiếc giường đơn ngồi xem tin tức, chị Phạm Thị Thương (40 tuổi, quê Bắc Giang) cho hay, từ lúc biết tin bệnh viện K bị phong tỏa, bệnh nhân, người nhà ai cũng bất ngờ và không khỏi lo lắng trước tình hình của dịch bệnh. Bệnh ung thư tiến triển nhanh lắm, chậm xạ trị ngày nào thì xem như thời gian sống rút ngắn đi ngày đó.
Trong quá trình thực hiện phác đồ điều trị, nếu bị gián đoạn bệnh nhân sẽ rất mệt mỏi và mất nhiều thời gian, nên nhận được thông tin phải tạm dừng và không được vào viện điều trị, chị Thương và các bệnh nhân trong khu trọ hoang mang, lo lắng. Chiếc điện thoại di động lúc nào cũng đổ chuông, khi thì người nhà, khi thì bạn bè của chị gọi xuống hỏi thăm sức khỏe và tình hình dịch bệnh.
Dứt lời, chị Thương vội vàng lướt chiếc điện thoại xem tin tức. Chị thở dài nói, trước ngày bệnh viện bị phong tỏa, chị vào viện lấy máu để ngày hôm sau đến truyền thuốc. Nhưng chưa kịp điều trị thì bệnh viện đã bị phong tỏa, những bệnh nhân không trong diện cách ly như chị Thương phải tạm dừng liệu trình điều trị và không được vào bệnh viện.
Từ khi Bệnh viện K bị phong tỏa, "xóm ung thư" vắng bóng người qua lại. |
Ánh mắt lo lắng, chị Thương cho hay: "Nghe báo, đài thông tin về tình hình dịch mà tôi "đứng ngồi không yên" vừa sốt ruột, vừa bất an. Một số bệnh nhân sau khi nghe tin bệnh viện có ca dương tính đã được người nhà đưa về quê. Nhưng trong thời điểm này, về quê không hẳn đã an toàn, bởi quá trình di chuyển cũng có nguy cơ lây lan dịch. Thay vì về quê, tôi chấp nhận ở lại đây đợi thông báo của bác sĩ".
Chị Thương đang cập nhật tin tức về dịch bệnh. |
"Dù ở lại đây chờ đợi rất mệt mỏi, chi phí ăn uống, nhà trọ tốn kém nhưng dịch bệnh bùng phát bất ngờ nên không tránh được. Bây giờ về hay ở cũng chỉ có vậy, thậm chí về nhà còn nguy hiểm hơn, nên tôi chấp nhận ở lại đây tự cách ly cho bản thân và cho gia đình ở quê", chị Thương nói thêm.
Ngồi kế bên chị Thương, bà Xuyên (quê Thái Bình) bị ung thư vòm họng suốt nhiều năm nay. Hướng ánh mắt về chiếc tivi, bà Xuyên thất thần vuốt vội mái tóc, buồn bã nói, căn bệnh ung thư dường như là "bản án tử", không được chữa trị kịp thời thì sẽ bị di căn sang bệnh khác rất nguy hiểm.
Dù không thuộc diện cách ly, nhưng có liên quan đến bệnh viện K nên bà Xuyên ngỏ ý với con dâu ở lại nhà trọ vừa tự cách ly, mà vẫn nghe ngóng được thông tin của bệnh viện. Tuy ở lại sẽ rất tốn kém, nhưng hai mẹ con bà Xuyên vẫn nhất quyết không về.
Bà Xuyên trong khu nhà trọ đối diện bệnh viện K. |
"Giờ có về thì chúng tôi cũng phải cách ly tại nhà. Biết là thời gian sẽ lâu để được điều trị tiếp, nhưng tôi vẫn hy vọng bệnh viện sớm kiểm soát được dịch để bệnh nhân như tôi được điều trị tiếp. Hiện tại, tôi mới điều trị được 22 mũi xạ vẫn còn 8 mũi nữa. Để lâu nó lại phát triển nên về quê bây giờ tôi không an tâm, nhỡ đang cách ly mà có thông báo của bác sĩ đến điều trị thì lại không kịp", bà Xuyên trầm ngâm chia sẻ.
Nhìn những người trong xóm trọ lần lượt chạy dịch, chị Thương, bà Xuyên và những bệnh nhân trong xóm trọ đều có phần bất an, lo lắng nhưng họ quyết định ở lại theo dõi tình hình sức khỏe và chờ cơ hội được tiếp tục điều trị bệnh. Với họ điều mong mỏi bây giờ là bệnh dịch nhanh chóng qua đi để những người bệnh được quay lại điều trị sớm.
Theo Dân Trí
Bà mẹ ba con ở Hà Nội: 'Tôi biết ơn căn bệnh ung thư'
Mắc bệnh ung thư trực tràng nhưng Đinh Khuyên lại cho rằng, chị biết ơn căn bệnh này vì đã cho chị nhận ra nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống.