- Toán nâng cao phải chăng là cách để các cô ép phụ huynh phải đưa con đến lớp học thêm? Ý kiến trái chiều thì cho rằng, phụ huynh cũng mắc bệnh sĩ khi ép con học quá sức...
“Tôi có vài đứa con đi học nên biết cái mẹo nhỏ của giáo viên. Đầu năm cho một số bài toán, đề văn khó.... Sau đó các lớp học thêm đủ "biên chế", những kiểu bài như trên dần biến mất. Cho nên, bao giờ nhà giáo chán dạy thêm thì kiểu ra bài tập như trên mới kết thúc” – một bà mẹ than vãn.
Ảnh minh họa |
Chị Nguyễn Dung cùng chung ý kiến khi nói rằng “mình còn không giải được thì phải cho con đi học thêm để bằng bạn bè, không thì sợ con không theo kịp”.
Anh Đỗ Châu thì đặt câu hỏi “ở bậc tiểu học, có những bài tính "nâng cao" nhằm mục đích gì? Có những bài toán mà đến các "thầy cô" cũng chịu nếu không có những "bài giải sẵn" cho các thầy cô. Chẳng qua là: để thêm thu nhập cho thầy cô!”
Ông bố Hồ Lê Bảo cho rằng để giải được những bài toán này phải cho con đi học thêm, chứ về nhà cha mẹ nào có giải được thì chỉ đúng kết quả, còn phương pháp thì không đúng. “Khổ thật đấy, không cho con đi học thêm thì không được, tình thế bắt buộc mà!”
Kêu trời vì những bài toán nâng cao, hai vợ chồng chị Mai Lan cũng phải quyết định cho con đi học thêm vì không có thời gian để nghiên cứu và tìm cách giảng bài dễ hiểu nhất cho con.
Anh Võ Hùng Dũng có con đang học lớp 5 cũng rơi vào trường hợp tương tự. Anh tự tin khẳng định mình cũng thuộc dạng giỏi toán nhưng trước khi giải mấy đề toán của con, anh phải đọc lại phần lý thuyết và mấy bài mẫu mới giải được.
Chị Thu Thái thì đưa ra lời khuyên cho các phụ huynh khác nếu muốn dạy con thì trước hết phải tìm hiểu sách giáo khoa của con trước khi dạy và cách giảng như thế nào để con hiểu được trong khả năng của bé.
Phụ huynh cũng mắc bệnh...
Anh Phạm Hồng Vinh cho rằng không phải cứ bài khó của con bố mẹ không giải được là toán nâng cao. Phụ huynh cần xem lại phương pháp giải toán tiểu học trước khi đánh giá vì nhiều bài toán được nêu ra rất dễ giải nếu biết giải theo sơ đồ - một phương pháp làm toán ở tiểu học.
Em Đinh Hoàng Hạnh – học sinh lớp 5 cho biết: "Bố, mẹ cháu nhiều bài cũng tìm được đáp số nhưng cách giải không phù hợp. Vì vậy cháu luôn học kỹ quy tắc cơ bản và các công thức cơ bản là giải được các bài toán nâng cao.”
Một số ý kiến khác cho rằng những bài toán nâng cao chỉ để phân loại học sinh, dành cho những em học sinh khá, giỏi, chứ không phải bài kiểm tra nào cũng đưa những dạng toán này vào. Nhưng chính các phụ huynh mắc bệnh thành tích muốn bài nào con mình cũng phải giải được để được 9, 10 điểm nên mới sinh ra tình trạng này.
“Tại sao các vị phu huynh cứ kỳ vọng con mình làm được những bài toán nâng cao. Dạng bài này chỉ để cho học sinh năng khiếu chuyên toán, trong đề thi hoặc kiểm tra những bài toán khó chỉ có 0.5 điểm thôi, hãy dành thời gian ôn luyện các dạng bài tập trong chương trình SGK để đạt được 9,5 điểm - đừng sĩ diện mất thời gian đầu tư vào 0,5 điểm” – một phụ huynh phân tích.
Chị Mai Hồng thì tỏ ra thông cảm với các cô khi đưa ra những bài toán này. Theo chị, lớp có nhiều học sinh, học lực khác nhau. Cô giáo có thể cho thêm bài khó, nếu các con làm được chứng tỏ các con giỏi, còn không làm được cũng là chuyện bình thường. Những bài khó này là để cô nắm bắt tình hình để điều chỉnh mức độ bài tập cho phù hợp với năng lực các con. “Tại bố mẹ mắc bệnh thành tích, không muốn chấp nhận sự thật con mình cũng không phải quá giỏi, không phải số 1 nên mới làm thế thôi. Chính bố mẹ mới là người làm khổ con...”
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thảo chia sẻ: “Mình nghĩ phụ huynh mới là người chạy theo thành tích nhiều hơn. Chẳng có cô nào tự nhiên bắt buộc một học sinh bình thường đi làm một bài toán nâng cao. Nhưng nếu học sinh giỏi thì cần phải phát huy lắm chứ.”
- Nguyễn Thảo (tổng hợp)