Tại kết luận thanh tra, Bộ Tài chính đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc phê duyệt các dự án đầu tư trên địa bàn Lạng Sơn, điển hình là dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn đầu tư bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ.
Bộ Tài chính vừa ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý ngân sách nhà nước năm 2015 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Việc thanh tra này được thực hiện theo Quyết định ngày 9/11/2016 của Bộ trưởng Tài chính và đoàn thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành từ ngày 14/11/2016 đến ngày 16/12/2016.
Bệnh viện nghìn tỷ 6 năm dở dang
Tại kết luận thanh tra, Bộ Tài chính đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc phê duyệt các dự án đầu tư trên địa bàn Lạng Sơn, điển hình là dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn đầu tư bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ.
Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn đội vốn, chậm tiến độ. |
Theo Bộ Tài chính, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt dự án này không đúng quy định, vượt quá khả năng của nguồn vốn dẫn đến phải điều chỉnh dự án, đầu tư không đồng bộ, có nguy cơ gây lãng phí lớn.
Trạm kiểm soát 57 tỷ "vô dụng" |
UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt dự án đầu tư Trạm kiểm soát liên hợp Than Muội không khả thi, không phát huy hiệu quả, gây lãng phí vốn. Dự án hoàn thành năm 2016 với tiền đầu tư là hơn 57 tỷ đồng. Nhưng do việc khảo sát, đề xuất địa điểm xây dựng không phù hợp nên khi sử dụng không phát huy hiệu quả. Vì thế, vài tháng sau UBND tỉnh Lạng Sơn đã phải chuyển giao tài sản toàn bộ dự án cho UBND xã Quang Lang quản lý sử dụng. Khi ấy, ngân sách còn nợ tiền thi công dự án 24,4 tỷ đồng. |
Khảo sát địa chất công trình Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn chưa đảm bảo yêu cầu dẫn đến khi thi công gặp đá cứng phải dịch chuyển công trình làm phát sinh chi phí, gây lãng phí vốn đầu tư gần 48 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra nhiều khuyết điểm của UBND tỉnh Lạng Sơn khi phê duyệt điều chỉnh quy mô dự án, tăng tổng mức đầu tư vượt quá khả năng của nguồn vốn dẫn đến triển khai các hạng mục không đồng bộ, có nguy cơ gây lãng phí lớn.
Cụ thể, năm 2009 dự án được tỉnh Lạng Sơn duyệt với vốn đầu tư là xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, quy mô 700 giường bệnh.
Tuy nhiên, 3 năm sau, dự án “đội vốn” lên hơn 1.500 tỷ đồng, vượt quy mô vốn Trái phiếu Chính phủ của dự án, do điều chỉnh hạng mục các khoa nội trú tăng từ 12 tầng lên 15 tầng, bổ sung khu nhà nghỉ giành cho người nhà bệnh nhân, điều chỉnh diện tích các phòng, khoa…
Nhưng đó chưa phải là con số cuối cùng. Đến thời điểm tháng 12/2016, UBND tỉnh Lạng Sơn đã 8 lần điều chỉnh dự án đầu tư.
Kết luận của Bộ Tài chính cho hay: Do không có vốn, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư là gần 1.800 tỷ đồng, tăng so với phê duyệt lần đầu là hơn 760 tỷ đồng.
Việc UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh tăng quy mô, tăng tổng mức đầu tư của dự án từ gần 1.000 tỷ lên gần 1.800 tỷ dẫn đến không đảm bảo nguồn vốn để thực hiện dự án theo tiến độ, phải điều chỉnh dự án thành 2 giai đoạn, thực hiện đầu tư không đồng bộ và không thể đưa công trình đi vào hoạt động.
Điều này dẫn đến nguy cơ gây lãng phí lớn và không phát huy được hiệu quả nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ là chưa đúng theo Quyết định 930 ngày 30/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ khi phê duyệt dự án Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn.
Theo tiến độ ban đầu, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2015. Thế nhưng theo Bộ Tài chính, đến thời điểm tháng 12/2016 toàn bộ các hạng mục của dự án đều đang thi công dở dang, triển khai không đồng bộ và không phát huy được hiệu quả nguồn vốn.
Duyệt dự án tràn lan, chi tiền không đúng
Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính cũng chỉ ra việc UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt dự án không khả thi về nguồn vốn dẫn đến dự án triển khai bị chậm tiến độ, nợ đọng thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành lớn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh gửi Ban thường vụ tỉnh ủy ngày 8/6/2016, nợ thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản tại các nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đến 31/12/2015 (chưa bao gồm nợ tại huyện, xã do địa phương chưa tổng hợp được) là hơn 1.200 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn, đến thời điểm tháng 12/2016 số nợ đã được bố trí tiền trả nợ là 412 tỷ đồng, số nợ chưa được bố trí vốn thanh toán là 815 tỷ đồng, chưa bao gồm phát sinh nợ trong năm 2016 và phát sinh nợ của các huyện, xã.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra việc UBND tỉnh phê duyệt dự án, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nhưng không có vốn triển khai phải dừng thực hiện tại 6 dự án, chủ yếu là dự án đường xá vào trung tâm các xã.
Cụ thể, thời điểm thanh tra (tháng 12/2016) trên địa bàn có 6 dự án được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng không có vốn để triển khai phải dừng thực hiện với tổng số tiền là 1.815 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng phát hiện UBND tỉnh Lạng Sơn giao dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2015 chưa đúng quy định, dẫn đến mất cân đối không đảm bảo nguồn chi số tiền là 517 tỷ đồng.Ngoài ra, việc chi thường xuyên cũng có nhiều khuyết điểm. UBND tỉnh Lạng Sơn chi từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh không đúng chế độ quy định số tiền là 62,2 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2015 dự toán Hội đồng nhân dân, UBND bố trí giao dự toán chi từ nguồn dự phòng ngân sách năm 2015 là 126 tỷ đồng (cấp tỉnh 65,6 tỷ, cấp huyện 60,4 tỷ).
Dù theo Luật ngân sách năm 2002, khoản tiền này chỉ được dùng để “chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tại, hỏa hoạn, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cấp bách khác phát sinh ngoài dự toán”, nhưng Bộ Tài chính thấy rằng UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ chi đúng có 3,4 tỷ đồng, còn lại 62,2 tỷ đồng là chi cho các nhiệm vụ khác không đúng.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, do nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn lớn trong khi nguồn vốn có hạn, vì vậy UBND tỉnh đã sử dụng dự phòng để bố trí cho các dự án đầu tư và trả nợ thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản trong năm 2015.
Lương Bằng