Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 27 quy định về nội dung, việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử (gọi tắt là đơn thuốc điện tử) cũng như giá trị pháp lý của đơn thuốc điện tử. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2022.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, với người bệnh ngoại trú, trường hợp kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, thực hiện theo quy định tại Thông tư 52 ngày 29/12/2017 và Thông tư 18 ngày 22/8/2018 của Bộ Y tế.

Trường hợp kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và kê đơn kết hợp thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu với thuốc hóa dược, sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư 44 ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế.

Đối với người bệnh nội trú ra viện, Thông tư 27 quy định: Trường hợp kê đơn trong phần ghi chú của Giấy ra viện, thực hiện theo quy định tại Phụ lục 3 Thông tư số 56 ngày 29/12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

{keywords}
Đơn thuốc điện tử đáp ứng các quy định của Thông tư 27 có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

“Đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử đáp ứng các quy định của Thông tư này có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy”, Thông tư 27 của Bộ Y tế nêu rõ.

Bộ Y tế giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh chủ trì, phối hợp với Cục CNTT và các đơn vị liên quan xây dựng quy chế quản lý Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (gọi tắt là Hệ thống đơn thuốc quốc gia); phân quyền quản trị cho các đơn vị liên quan và các địa phương; quản lý, vận hành Hệ thống đơn thuốc quốc gia;

Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng có trách nhiệm cấp mã định danh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và mã người hành nghề cho đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý thông qua Hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Cục Quản lý Dược được giao bảo đảm kết nối giữa Hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia và Hệ thống đơn thuốc quốc gia; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở bán lẻ thuốc và người hành nghề dược triển khai thực hiện Thông tư 27.

Đối với Cục CNTT, cơ quan này được Bộ Y tế giao xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành kỹ thuật về đặc tả cấu trúc dữ liệu và hướng dẫn kết nối liên thông giữa hệ thống thông tin của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bán lẻ thuốc với Hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Cùng với đó, hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật và ứng dụng các giải pháp CNTT cho các đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện Thông tư 27; phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh xây dựng quy chế quản lý Hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan quản lý y tế của các bộ, ngành có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 27 đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý; cấp mã định danh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và mã người hành nghề cho đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý thông qua Hệ thống đơn thuốc quốc gia...

Vân Anh

10 giải pháp công nghệ nổi bật trong ngành y tế Việt Nam

10 giải pháp công nghệ nổi bật trong ngành y tế Việt Nam

Việc ứng dụng nhiều công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo AI, điện toán đám mây Cloud, phân tích dữ liệu lớn Big Data hay kết nối vạn vật IoT… đã giúp xây dựng nhiều giải pháp mang tính đột phá trong ngành y tế.