- Thực hiện các dịch vụ siêu âm, điện tâm đồ cho bệnh nhân trong vòng 1-3 phút khiến kết quả không có giá trị nhưng bệnh viện vẫn thu đủ tiền của quỹ BHYT và của người bệnh. Trên thực tế, quỹ BHYT và người bệnh đang phải trả tiền cho những dịch vụ giả tạo do các bệnh viện tạo ra nhằm mục đích trục lợi.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa hoàn thành báo cáo tổng kết kinh nghiệm chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT tại 13 tỉnh, thành bị bội chi hoặc có nguy cơ bội chi quỹ BHYT từ năm 2009-2011.
Ngoài việc chỉ ra hàng loạt các ví dụ về lạm dụng (ở mức độ cao) các loại thủ thuật, dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc men thì BHXH Việt Nam còn chỉ ra rằng ở nhiều nơi đang thực hiện các dịch vụ siêu âm, điện tâm đồ “siêu tốc”, khiến kết quả không chính xác,không có giá trị sử dụng.
Siêu âm siêu tốc, điện tâm đồ qua quýt
Đơn cử, tại Bệnh viện Đa khoa P.T, bệnh viện cho máy siêu âm hoạt động vượt quá công suất để tận thu. Chẳng hạn, thời gian để hoàn thành một lần siêu âm ổ bụng là 5-7 phút, siêu âm tim khoảng 25-30 phút.
Thế nhưng tại đây, mỗi ngày mỗi máy thực hiện siêu âm đến hơn 160 lần là phổ biến, thậm chí có ngày đạt mức hơn 250 lần (tương đương với việc máy siêu âm vận hành liên tục 18-20 tiếng mỗi ngày, không cả nghỉ đêm!).
Tại các bệnh viện được thanh tra, thời gian siêu âm hoặc doppler cho bệnh nhân đạt mức ngắn "kỷ lục", chỉ 1-3 phút, không đủ để thực hiện dịch vụ. Bệnh nhân đã phải nhận dịch vụ giả nhưng trả tiền thật (Ảnh minh họa: Internet) |
Vì thế, thời gian siêu âm hoặc doppler cho bệnh nhân đạt mức ngắn "kỷ lục", chỉ 1-3 phút, không đủ để thực hiện dịch vụ. Đặc biệt, cán bộ y tế ở đây phần lớn chưa có bằng cấp chuyên khoa về chẩn đoán hình ảnh nhưng vẫn được thực hiện dịch vụ rồi… đọc kết quả bình thường!
Điều này dẫn tới thực trạng: Dù người bệnh là người lớn hay trẻ em thì kết quả siêuâm/doppler đều rất giống nhau nên không có giá trị hoặc ít có giá trị về thăm khám và theo dõi chữa trị… Doppler mạch thì cũng chỉ có 2 kết quả: co thắt hoặc bình thường, các chỉ số trên phiếu kết quả rất giống nhau, ghi chung chung, không mô tả được đoạn mạch bị tổn thương hay đoạn mạch nào được khả sát.
“Bác sỹ không cần ăn uống ngủ nghỉ và làm việc 24/24 cũng không đủ thời gian để siêu âm cho 300 bệnh nhân/ngày. Một bệnh nhân vừa siêu âm ổ bụng, tim, siêu âm nội soi nhưng tổng thời gian của bệnh nhân chỉ có 5 phút thì sẽ không thể đảm bảo độ chính xác. Bệnh nhân đã nhận phải dịch vụ giả nhưng vẫn phải trả tiền”, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHXH VN) cho biết.
Ngoài vấn đề siêu âm “siêu tốc” thì điện tâm đồ cũng chung tình trạng. Kỹ thuật này không những bị lạm dụng khi được chỉ định cho hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh thông thường mà còn trở thành một “dịch vụ giả” khi được thực hiện sơ sài, qua quýt dẫn đến kết quả sai, không có chút giá trị cho việc chẩn đoán và khám chữa về sau nhưng bệnh viện vẫn lấy tiền của quỹ BHYT và người bệnh!
Khó xử phạt, sai phạm sẽ còn tiếp diễn
Qua đợt thanh tra này, BHXH Việt Nam đưa ra nhận định: Lạm dụng từ phía các cơ sở y tế có tính phổ biến, ngày càng gia tăng với nhiều hình thức khác nhau.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Tá Tỉnh thì một trong những khó khăn lớn của những cán bộ làm công tác giám định bảo hiểm y tế là họ chỉ có chức năng kiểm tra mà chưa có chức năng xử phạt
Vì thế, khi phát hiện hành vi vi phạm, họ thông báo với ngành y tế và cơ quan chức năng có thẩm quyền, còn việc xử lý, xử phạt cơ sở vi phạm như thế nào thì ngành Bảo hiểm xã hội vẫn chưa có bất cứ hồi âm gì. Trong khi nếu không xử lý triệt để, những hành vi này sẽ dễ tái diễn (đó là chưa kể đến chuyện có những nơi giám định viên BHYT còn “thông đồng” với bệnh viện để “bỏ qua” những dấu hiệu bất thường).
Việc lạm dụng sẽ gây thất thoát lớn không chỉ cho quỹ BHYT mà còn cho chính túi tiền của người bệnh, bởi quỹ BHYT giờ không còn ở trong tình trạng “cha chung không ai khóc” mà đã có cả phần đồng chi trả của người bệnh (từ 5-20%), trong đó có cả những bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh hết sức khó khăn (đó là chưa kể đến nhóm gần 40% người bệnh chưa có thẻ bảo hiểm y tế sẽ bị “móc túi” khi chi phí khám chữa bệnh bị đội lên không cần thiết và họ phải trả toàn bộ bằng chính tiền túi của mình). Ảnh: N.A |
Để hạn chế lạm dụng kỹ thuật nhằm trục lợi quỹ BHYT và túi tiền của người bệnh, BHXH VN đã thí điểm thực hiện phương thức giám định hồ sơ bệnh án ngẫu nhiên tại một số tỉnh thành và cho kết quả khả quan.
Bằng phương thức này, năm 2008, BHXH VN đã từ chối thanh toán 80,3 tỷ đồng của các bệnh viện, năm 2009, con số bị từ chối được nâng lên mức 103,1 tỷ đồng và năm 2010 là 110 tỷ đồng.
Việc tăng cường giám sát trong chi trả quỹ BHYT để tránh bị rút ruột bởi các hành vi lạm dụng như trên càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi giá viện phí mới được áp dụng.
Với khung giá viện phí mới, chi phí khám chữa bệnh sẽ tăng khoảng 30%. Nếu tiếp tục chỉ định dịch vụ và thuốc như hiện nay, chi phí khám chữa bệnh sẽ tiếp tục tăng cao và phần chi phí bị lãng phí cũng sẽ tăng tỉ lệ thuận theo.
Điều này sẽ gây thất thoát lớn không chỉ cho quỹ BHYT mà còn cho chính túi tiền của người bệnh, bởi quỹ BHYT giờ không còn ở trong tình trạng “cha chung không ai khóc” mà đã có cả phần đồng chi trả của người bệnh (từ 5-20%), trong đó có cả những bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh hết sức khó khăn (đó là chưa kể đến nhóm gần 40% người bệnh chưa có thẻ bảo hiểm y tế sẽ bị “móc túi” khi chi phí khám chữa bệnh bị đội lên không cần thiết và họ phải trả toàn bộ bằng chính tiền túi của mình).
N.Anh