Đầu tháng 7, chính phủ lâm thời Kerensky đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình của nhân dân Petrograd và bắt bớ những người Bolshevik. Họ còn ra lệnh bắt giữ và truy tố Lenin. Việc bảo vệ an toàn cho Lenin trở nên cấp thiết.

BCH Trung ương Đảng Bolshevik quyết định đưa Lenin đến ở tạm nhà của đảng viên N. A. Eminlyanov, nằm cách biên giới Phần Lan không xa.

Gia đình Eminlyanov phải ở tạm trong kho chứa đồ chật chội ở ngoài vườn, trong khi chủ nhân gấp rút chữa lại gác xép cho Lenin ở. Ông Eminlyanov đã lấy cỏ khô trải làm đệm giường, kê thêm bàn cùng hai chiếc ghế.

{keywords}
Đài tưởng niệm với túp lều bằng đá hoa cương

Tuy nhiên, ở lâu trong khu làng đông dân này là cực kỳ nguy hiểm, nên BCH Trung ương Đảng chấp thuận đề nghị của Eminlyanov đưa Lenin đến ẩn bên hồ Razliv, trong vai một người Phần Lan làm mướn vào mùa cắt cỏ.

Người ta dựng một túp lều bằng cành cây và cỏ khô trên khoảnh đất vừa thu hoạch xong.

Buổi tối, muỗi bay vào lều rất nhiều. Lenin nói vui với Eminlyanov: “Đấy anh xem, chúng ta trốn bọn Kerensky rất tài nhưng phải chịu thua lũ muỗi này, chúng ở khắp nơi”. Lenin cũng thường gọi đùa mảnh đất trống trước lều là “Phòng Xanh”.

Theo sự phân công của Trung ương Đảng, các đồng chí I. M. Sverdlov, F. E. Dzerzhinsky, G. K. Ordzhonikidze... thường đến túp lều gặp gỡ, báo cáo tình hình với Lenin và nhận chỉ thị, bài viết của Người chuyển về Petrograd.

Trong những ngày ẩn ở Razliv, Lenin làm việc rất khẩn trương để vạch ra đường lối sách lược của Đảng cho phù hợp với tình hình chính trị trong nước đang thay đổi từng ngày.

Từ đây, Lenin đã chỉ đạo để Đại hội VI Đảng Bolshevik ra nghị quyết: Nhiệm vụ chính trị lúc này là chuẩn bị và tiến tới khởi nghĩa vũ trang của giai cấp công nhân và nông dân nghèo để lật đổ chính phủ lâm thời, thiết lập chuyên chính vô sản, đưa đất nước ra khỏi cuộc chiến tranh đế quốc.

Đại hội quyết định tạm thời rút khẩu hiệu “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô-viết”, thay bằng khẩu hiệu mới “Lật đổ nền chuyên chính của giai cấp tư sản bằng con đường khởi nghĩa vũ trang”. 

Tháng 9/1917, Lenin và Trung ương Đảng đưa trở lại khẩu hiệu “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô-viết”, nhưng với nội dung mới là tiến hành khởi nghĩa vũ trang lật đổ chính phủ lâm thời và giành toàn bộ chính quyền.

Cũng chính trong túp lều bên hồ Razliv, Lenin đã hoàn thành bản thảo tác phẩm nổi tiếng Nhà nước và cách mạng.

Trong khi đó, chính phủ lâm thời tiếp tục truy tìm Lenin. Chỗ ẩn ở hồ Razliv không còn an toàn, nên BCH Trung ương Đảng quyết định đưa Lenin sang Phần Lan tạm trú. Đêm 16/8/1917, Lenin rời lều cỏ và đi bộ đến ga đường sắt giáp biên giới, lên con tàu với đầu máy mang số 293.

Hai tháng sau, vào tháng 10/1917, Lenin trở về Petrograd để lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Mười, cũng chính trên đầu máy này, trong bộ quần áo của người thợ đốt lò.

Toa đầu máy số 293 sau này được Chính phủ Phần Lan tặng cho Liên Xô và cùng với chiếc xe bọc thép và chiến hạm Rạng Đông, trở thành những hiện vật lịch sử quý giá gắn với cuộc cách mạng vĩ đại và với tên tuổi Lenin.

Túp lều cỏ và cánh đồng bên hồ Razliv cũng đi vào lịch sử. Ngày nay, khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới vẫn đổ về đây, để tỏ lòng thành kính với Lenin và thăm quan túp lều hiện đã được xây lại bằng đá hoa cương.

Nguyên Phong