Kính gửi chị Hạnh Dung! Em lấy chồng bảy năm, có con trai bốn tuổi.

Khi em có thai bé thứ hai thì phát bệnh suy thận nên không giữ được thai. Bệnh trở nặng, một tuần hai lần phải vào bệnh viện chạy thận nhân tạo. Mọi hy vọng về con cái hay hạnh phúc gia đình đều tắt lụi. Sức khỏe ngày càng suy kiệt, em đau đớn tuyệt vọng, chán nản bỏ bê tất cả mọi thứ, kể cả công việc cơ quan.

Cả cơ quan ai cũng coi thường em, xem em là người vô dụng. Khi về nhà, mẹ chồng em hay nói trổng “thương thằng Hải vô phước” (Hải là chồng em). Gia đình bên chồng có ba anh chị em, chồng em là con út. Anh Hai bỏ một đời vợ, chị Ba bỏ một đời chồng, hiện nay họ đều sống sung túc với đời vợ sau, chồng sau. Em hiểu cái câu đay nghiến của mẹ chồng em, nên mấy lần đã viết đơn xin ly hôn để chồng em tìm hạnh phúc mới, nhưng anh ấy không chịu ký.

Mới đây, anh ấy thuê nhà, đưa em ra ngoài sống để đỡ va chạm với mẹ chồng, nhưng sức khỏe em quá yếu, không thể chăm con, nên con em phải ở lại với bà nội. Bây giờ em sống cũng như chết rồi, nhiều hôm lên cơn la hét, đập phá, không kiểm soát được hành vi của mình. Chị ơi, gia đình chồng em hiện giờ không muốn nhận em là dâu con họ, mà em cũng chán ghét bản thân mình, nhiều lúc nghĩ tuyệt vọng đến mức không còn muốn sống nữa…

Lê Thị Trang (TP.HCM)

{keywords}

Em Trang thân mến,

Em đang bị bệnh nặng về mặt thể xác, và rất có thể cả về mặt tinh thần. Em oán thán, trách móc, xa lánh mọi người, nhưng em ơi, em đang sở hữu bao nhiêu điều quý giá mà em không biết. Nhận ra những điều quý giá ấy, em sẽ thấy mình không phải đã bị số phận dồn đến bước đường cùng.

Em có đứa con trai bốn tuổi. Đó là chiếc neo máu thịt để giằng giữ em lại với cuộc đời. Vì con, em hãy cố gắng chiến đấu với bệnh tật. Em phải sống để con em không mồ côi mẹ, cho dù bây giờ con em vẫn được bà nội bảo bọc chăm sóc, không đến nỗi rơi vào cảnh bơ vơ như nhiều đứa trẻ khác. Đừng coi đó là ngăn cách, là trở ngại, hãy coi đó là may mắn của mình. Bà nội chăm cháu, máu mủ ruột rà nên em có thể đặt trọn vẹn niềm tin vào đó. Hãy thăm con hoặc để con đến thăm em khi có thể. Hãy làm điều gì đó cho con: viết một cuốn nhật ký, làm một món quà tặng, và quan trọng nhất là sống những ngày hiện tại sao cho con em cảm thấy đầy ắp tình thương của mẹ.

Em có người chồng chăm lo cho vợ, quyết không đổi dạ thay lòng khi vợ ốm đau, bệnh tật. Đó là chiếc neo thứ hai. Anh ấy đã rất cố gắng khi thuê nhà cho em ở riêng, đưa đón chăm sóc em đi về bệnh viện. Đó là tấm lòng đáng quý, em phải cố gắng chữa bệnh, tĩnh dưỡng tinh thần, tự lo liệu lấy phần nào những việc cá nhân của mình để giảm bớt gánh nặng cho chồng. Đừng gây thêm những rắc rối kiểu như làm mình làm mẩy, nằng nặc đòi ly hôn, bỏ ăn bỏ ngủ…

Em hãy xác định sức khỏe của mình là quan trọng, nếu mình khỏe lên, mọi người xung quanh đều đỡ vất vả cực nhọc. Trong lúc này, chữa bệnh là ưu tiên số một. Việc mình muốn “tránh sang một bên” cho chồng tìm hạnh phúc mới là một ý nghĩ cao thượng, nhưng cách để biến ý nghĩ này thành thực tế mới là chuyện khó khăn. Khi chồng vẫn còn thương yêu, nặng lòng với vợ, em hãy cố sống xứng đáng với tình yêu ấy.

Bệnh tật có thể vẫn còn phương cứu chữa nếu trong lòng mình đầy đủ niềm tin. Việc cơ quan nếu không đảm nhiệm nổi, em có thể xin nghỉ làm để tập trung chạy chữa. Chúc em chiến thắng được bệnh tật.

(Theo PNO)