- Thay vì sum họp, quây quần với gia đình trong những ngày Tết Nguyên đán thì nhiều người lao động phải ngậm ngùi đón Tết xứ người vì làm ăn khó khăn, thất nghiệp thậm chí là bị chủ nợ truy lùng.

Chạy Tết để trốn nợ

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là Tết nhưng Nguyễn Anh Đ. (SN 1991) vẫn lang thang ở nhờ nơi phòng trọ của bạn bè.

Nếu như mọi năm là con trai lớn trong nhà giờ này Đ. đã tất tả dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chở mẹ đi sắm đồ Tết nhưng “năm nay có lẽ em không có Tết”, Đ. cho biết.

Không khí Tết đã ngập tràn khắp phố phường nhưng nhiều người vẫn ngần ngại không muốn về quê đón Tết

Học xong cấp 3, Đ. đi làm công nhân ở một nhà máy ở Phố Nối, Hưng Yên.

Vốn có máu đỏ đen nên mấy tuần trước trong một cuộc sát phạt anh chàng bị mất trắng mấy tháng lương.

Cay cú vay mượn để mong gỡ gạc kiếm ít tiền về đi chơi Tết, nhưng Đ. vẫn thua liên tiếp.

“Giờ số nợ cả gốc lẫn lãi lên tới 70 triệu, trong túi em không còn một xu nào” - Đ. bảo.

Sợ bọn đòi nợ thuê tóm được, Đ. lang thang ăn ngủ nhờ ở phòng trọ của bạn cả tuần nay.

Nợ tiền, Đ. không dám về nhà. Để bố mẹ đỡ đi tìm anh chàng nói dối là theo bạn đi buôn đào Tết, đến đêm giao thừa mới xong việc rồi tắt luôn điện thoại.

“Em chỉ nói thế thôi đến hôm đó lại kiếm cái cớ khác chứ em mà về chúng nó giết em mất ” - Đ. than vãn.

Mặc cảm

Nhiều người lại không muốn về quê trong những ngày đầu năm mới vì mặc cảm khi “công chưa thành danh chưa toại”.

Anh K. (Nghệ An) tạm trú ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Tôi ra trường, chật vật mãi vẫn không xin được việc. Mỗi lần về quê, nhà cha mẹ hay hỏi công việc, lương bổng thế nào, đi làm có dư không? Chỉ biết ậm ừ cho qua chuyện. Tôi thấy chán bản thân vô cùng...Nói nghe khó tin chứ Tết này tôi không dám về quê”.

Vì vậy thay vì sum vầy cùng gia đình, anh đã mượn anh bạn thân 2 triệu gửi để về quê cho cha mẹ sắm Tết còn mình thì nói dối là phải trực Tết nên không về được.

“Ở lại Hà Nội chờ ra năm mới xin việc tiếp vậy. Về mà lòng trĩu nặng thì ăn Tết cũng không ngon”, anh cho biết.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, độc giả có nickname 'Con muốn về' đã chia sẻ trên 1 diễn đàn: “Mình đã ra trường đi làm một năm nay, nhưng mức lương thấp quá, hàng tháng nhận lương về mà không đủ để trang trải cuộc sống. Ngày 22/12 âm lịch, nghe bố mẹ điện thoại vào hỏi khi nào về quê mà hai hàng nước mắt cứ rưng rưng. Nếu về thì tiền xe đã tốn rất nhiều rồi, vả lại đi làm cả một năm chẳng lẽ không biếu bố mẹ được một đồng sắm Tết? Biết con không về thì bố mẹ rất buồn, nhưng số tiền đi tàu xe đó con có thể gửi về quê cho bố mẹ. Nhớ nhà quá!”.

Độc giả Nguyenvanmong cũng chia sẻ: “Mình cũng đã 29 tuổi đầu ra trường được hơn 3 năm mà công việc không ổn định nên Tết này không dám về quê. Mình rất sợ phải đối diện với các câu hỏi đã để dành được bao nhiêu rồi? lương tháng bao nhiêu? Khi nào lấy vợ? Ai mà chẳng muốn được đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết, nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền sao cứ nặng trĩu trên vai”.

Chị Ngọc quê ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh vào Bình Dương lập nghiệp đã gần 1 năm nay. Đồng lương công nhân và làm thêm của chị chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống hằng ngày và nuôi thêm em gái đang học đại học.

Cuối năm, bị nợ lương lại không có thưởng 2 chị em xoay xở mãi mới mua được 1 vé xe về quê và ít quà.

Chị nhường cho em gái về Tết và nói dối ở lại trực để bố mẹ yên lòng.

“Tiền tàu xe đi lại cho 2 chị em tốn hơn 6 triệu, tính toán chi tiêu này nọ cả cái tết cũng tầm chục triệu. Mà Tết thì chỉ một tuần” - chị Ngọc nói.

Sinh viên “cá kiếm” ngày Tết

Không về quê ăn Tết, Lành, sinh viên đại học ở trọ tại Mễ trì, Từ Liêm, Hà Nội, ở lại Hà Nội để làm thuê kiếm tiền trả nợ.

Năm đầu học đại học để bớt gánh nặng cho cha mẹ Lành tìm việc làm thêm. Nghe bạn rủ bùi tai, Lành tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp. Vì không có đủ tiền để mua sản phẩm, em đã được người môi giới chở đến công ty cho vay tài chính để cầm thẻ sinh viên và chứng minh thư lấy 7 triệu.

Có tiền Lành đã ký hợp đồng mua một máy lọc nước ozon trị giá 6,4 triệu.

Bán đào thuê cũng là một công việc part time được sinh viên ưa thích

Sau khi biết bị lừa, Lành đã chạy tất tả ngược xuôi để mượn tiền trả mà không dám nói với cha mẹ. “Nhà em nghèo lắm, bố lại nóng tính em mà nói ra chắc bố cho em thôi học mất”.

Để có tiền trả nợ, Lành quyết tâm không về quê ăn Tết mà ở lại Hà Nội làm thuê.

“Trước Tết em nhận đủ mọi việc như dọn nhà, chở hàng… Em cũng xin vào làm thêm trong một công ty cung cấp dịch vụ nhân sự đến giao thừa thì đi xông nhà thuê cho khách. Mỗi lần xông nhà em nhận được khoảng 200 – 300 nghìn” - Lành nói.

Lành còn cho biết thêm, một nhóm bạn khác của Lành còn rủ nhau lên Bắc Giang, Sa Pa mua đào về Hà Nội bán.

Nhóm thanh niên này mua những cây to, sau đó chặt nhỏ ra từng cành. Chặt xong bó thành từng bó, mỗi bó chắc tầm chục cành rồi thuê xe chở về.

Sau khi về, người buôn đem đào xuống cắm dưới ao ở vùng ngoại thành. Từ ngày 23, 24 cả nhóm thay nhau chở đào vào nội thành bán.

“Bạn em bán khá được, 2 thằng đứng bán thì 2 thằng còn lại thay nhau chạy xe về vác thêm đào ra. Nhưng bán đào cũng phải xác định là làm hết ngày 29 Tết mới được nghỉ”.

Cũng như Lành, em tên là Lê Đức T., sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội, cũng quyết định ở lại Hà Nội.

Tết dương lịch vừa rồi T. vừa về quê, Tết Nguyên đán này bố mẹ lại vào Biên Hòa, Đồng Nai ăn Tết cùng gia đình anh trai nên T. không về quê mà nhận trông nhà ngày Tết cho một gia đình ở Hà Nội.

“Em được người quen giới thiệu với chủ nhà ở Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội. Nhà cô chú này về quê ăn Tết nên cần người trông nhà, hương khói bàn thờ, lau dọn nhà và cho chó, mèo của họ ăn, uống. Chịu khó mấy ngày Tết em cũng kiếm được một khoản kha khá lại có chỗ ăn, ở. Nhà chủ còn hứa nếu làm tốt sẽ được lì xì thêm”, T. hồ hởi khoe.

L.Lam