- Hàng chục thanh niên người Ba Na ở xã Chư H’reng và Đắk Rơ Wa (TP. Kon Tum) được “cò” việc làm đưa đi lao động hái cà phê rồi “bặt vô âm tín” khiến gia đình như ngồi trên đống lửa.

Mới đây, một số lao động trốn thoát trở về làng “kể tội” việc họ bị “cò” “bán đứng”, bị ép lao động khổ sai càng khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Theo đó, một ngày cuối tháng 10, tại làng Kon Hra Kơtu (xã Chư H’reng) có một người hành nghề xe ôm vào làng nói, đang cần tuyển thanh niên trẻ đi thu hoạch cà phê tại tỉnh Đắk Lắk.

{keywords}
Người dân tại làng Kon Hra Kơtu lo lắng vì con em họ đi lao động nhưng không liên lạc được

Nghe thế, ông A Blứt mời người này vào nhà uống nước nói chuyện, sau đó tự nguyện đi các nhà kiếm thanh niên trong làng tập hợp về nhà mình để giao cho người này. Tổng cộng, có 21 thanh niên (9 nữ, 12 nam, độ tuổi từ 16-22) được gom về nhà A Blứt. Người chạy xe ôm sau đó điện thoại một xe 16 chỗ đến chở các thanh niên…“đi hái cà phê”.

Y Te, Y Giang (2 thanh niên vừa trốn thoát về làng) kể lại: “Khi lên xe, người tuyển dụng nói đi thu hoạch cà phê, lương cao mà làm việc lại nhẹ nhàng. Xe chở 21 thanh niên đi tới 2 giờ sáng thì dừng, tất cả bị dồn vào một ngôi nhà, chủ xe giới thiệu là trung tâm môi giới việc làm. Sáng hôm sau, mỗi người được một người lạ dẫn đi các nơi mà không biết đi về đâu, làm việc gì”.

Theo Y Te, trước khi được dẫn về chỗ làm, chủ xe soạn các hợp đồng và yêu cầu ký vào, rằng mỗi người nợ 1,8-2 triệu đồng. Khi những người lao động thắc mắc là nợ tiền gì thì chủ xe trả lời là nợ tiền xe, tiền ăn dọc đường. Ai không ký sẽ bị chủ xe dọa đánh nên tất cả đều sợ mà ký vào giấy nợ.

Y Te cho biết, họ được dẫn đến các trang trại trồng hoa, chế biến hoa quả tại Lâm Đồng chứ không phải hái cà phê như đã nghe trước đó. Các lao động bị ép buộc làm việc nặng nhọc, chủ lao động liên tục quát mắng, đóng cửa giam lỏng, thu hết điện thoại và nói không thể rời khỏi trang trại vì tất cả đã nợ 1,8-2 triệu đồng.

{keywords}
Các bậc phụ huynh ngóng tin con

Không chịu đựng được, Y Te, Y Giang cùng một nhóm người khác đã bàn nhau bỏ trốn.

“Hôm đó khoảng 1 giờ sáng, em và Y Giang âm thầm lẻn ra khỏi vườn, đi được một đoạn thì bị phát hiện, chó đuổi khiến cả hai chỉ biết cắm đầu chạy thục mạng. Tới gần sáng thì ra được đường lớn, may mắn gặp được một người dân kể lại sự việc và được người này bắt xe khách cho về lại làng” - Y Te bàng hoàng nhớ lại.

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Văn Hùng (Chủ tịch UBND xã Chư H’reng) cho biết, sau khi nghe thông tin từ người dân, công an xã đã đến các gia đình nắm tình hình. Thông tin bước đầu, đã có 6 lao động trốn khỏi các trang trại tìm về nhà, 15 người khác không thể liên lạc được.

Trung tá Trần Ngọc Tuấn - Đội trưởng Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP. Kon Tum - cho biết, phía công an đã cử lực lượng xuống các địa phương xác minh, nắm bắt tình hình. Bước đầu, đã mời đối tượng chạy xe ôm vào xã Chư H’reng tuyển lao động lên làm việc.

Đối tượng này khai chuyên nhận tuyển lao động để lấy hoa hồng cho một trung tâm giới thiệu việc làm “ma” tại tỉnh Đắk Lắk, được trả “hoa hồng” khoảng 300.000-500.000 đồng/lao động. Người lao động sau đó được trung tâm này bán về các trang trại, các cơ sở có nhu cầu.

Cũng theo trung tá Tuấn, các đối tượng “cò” lao động chủ yếu nhắm vào người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hạn chế, chưa hiểu biết để dễ lừa.

Trước đây, tại xã Ia Chim cũng xảy ra tình trạng người lao động bị lừa tương tự. “Chúng tôi đang phối hợp với các địa phương để đưa lao động trở về nhà, nhưng việc xử lý hình sự các đối tượng cò mồi, bán đứng lao động là cực kỳ khó khăn” – trung tá Tuấn cho biết.

Trùng Dương