Bố mất sớm, đến tấm ảnh thờ cũng không có, may mà khi lục lại đồ cũ, mẹ chị tìm lại được tấm ảnh cưới duy nhất hai người chụp chung. Quá mừng, chị mang về nhà treo ở phòng ngủ hai vợ chồng. Thế nhưng mẹ chồng chị lại ném ra khỏi nhà.

Chị Hồng (40 tuổi, Nam Định) vẫn còn nhớ như in ngày định mệnh cách đây 2 năm, khi chị khăn gói ra khỏi nhà chồng cùng 2 đứa con nhỏ.

32 tuổi chị Hồng mới lấy chồng, ở nông thôn, tuổi này bị coi là ế nhưng vì chị thoát ly làm kế toán cho công ty xây dựng nên với chị, chuyện chồng con cũng chưa tới đoạn "bấn" lắm.

Chồng chị, anh Phúc, hơn chị 4 tuổi quê ở Sơn Tây, Hà Nội, làm kỹ sư phụ trách công trình gần cơ quan chị. Cả hai lúc đó đều lớn tuổi nên cũng chỉ yêu nhau chừng nửa năm là cưới. Chị Hồng lấy chồng khiến mẹ chị vui mừng khôn xiết, vui hơn cả bắt được tấn vàng vì nhà có 3 chị em gái đều sàn tuổi nhau, chị mà không lấy chồng được là sẽ để "dớp" cho đàn em, mẹ chị nghĩ thế.

Hơn nữa, gia đình chồng chị lúc đó khá cơ bản, bố mẹ chồng đều là giáo viên, anh Phúc là anh cả của hai cô em gái. 3 anh em đều được ăn học tử tế. Đám cưới chị hàng xóm ai cũng tấm tắc khen ngợi vợ chồng chị đẹp đôi, chị tốt số, người ta bảo "trâu chậm uống nước đục" nhưng chị thì lại được "uống nước trong".
 

{keywords}
Ảnh minh họa

Đám cưới xong, mẹ chồng  bảo vợ chồng chị đưa hết tiền mừng cho bà để cho cô em gái vay làm vốn kinh doanh, bà bảo vợ chồng chị công chức, lương cố định nên cũng chẳng lo, khoản tiền mừng cưới đằng nào cũng tiết kiệm. Mặc dù không vui nhưng vì là dâu mới nên chị đành chiều theo ý mẹ chồng.

Thời gian trôi, khi cô con gái thứ 2 của chị Hồng ra đời cũng là lúc chị bị mẹ chồng có những lời lẽ khinh khi. Khinh vì chị chỉ đẻ được con gái. Bà liên tục diếc móc chị: "Rồi mày cũng giống mẹ mày thôi, đẻ toàn vịt trời. Nhà này không có thứ đàn bà không biết đẻ". Một năm có bao nhiêu lần giỗ là bấy nhiêu lần chị bị mắng chửi vì cứ nhìn thấy họ hàng quây quần là bà lại chạnh lòng. Chị Hồng ấm ức lắm nhưng cố cắn răng chịu vì yêu chồng, thương con.

Một lần, khi về quê chơi, chị và mẹ đẻ dọn dẹp đồ đạc thì tìm được tấm ảnh chụp chung duy nhất của bố mẹ chị ngày cưới. Ngày bố chị mất, không có một bức ảnh thờ nào, sau này mới thuê thợ vẽ theo mô tả của mẹ chị. Vì thế tấm ảnh này đối với chị vô cùng quan trọng.

Chị đã xin mẹ cho mình mang ảnh về treo ngay ngắn trong phòng riêng của hai vợ chồng. Nào ngờ một lần lên khám bệnh mẹ chồng chị nhìn thấy bức ảnh lạ, biết đây là hình thời trẻ của ông bà thông gia, bà bóng gió với chồng chị: "Đây mới là bước đầu rước bố mẹ nó về, sau có khi nó mang mẹ nó về phụng dưỡng, không coi bố mẹ chồng ra gì. Nó chờ mẹ nó chết là nó lập bàn thờ cho bố mẹ nó trong nhà này luôn đấy".

Chị Hồng cố tình lờ đi, nhưng khi đi làm về, bức ảnh mọi ngày chị treo trên tường không còn. Bao dồn nén trong lòng bỗng chốc vỡ òa, chị làm toáng lên. Chồng chị cuống quýt nhận là gỡ xuống cho mẹ vui, rồi bà về thì anh lại treo lên nhưng chị không nghe.

Nghe thấy con trai nịnh vợ như vậy, mẹ chồng chị từ phòng bên đi sang, bà mở ngăn kéo và ném ngay bức ảnh ra khỏi nhà.

"Mẹ thật độc ác và nhẫn tâm", chị hét lên như vậy rồi òa khóc. Nghe đến thế, mẹ chồng chị liền mang đồ đạc của chị vứt hết ra ngoài rồi đuổi chị ra khỏi nhà ngay trong đêm mặc dù đây là nhà hai vợ chồng chị thuê.

Chị cùng hai đứa con nhỏ lếch thếch tá túc ở nhà em gái vài hôm thì chồng chị sang xin lỗi rồi đón về. Nhưng những tổn thương trong lòng chị thì vẫn cứ quặn lên mỗi lần chị nghĩ đến cha mẹ. Chẳng lẽ con gái lấy chồng rồi là "như bát nước đổ đi", là con gái thì không được thờ cúng cha mẹ mình, thậm chí "kiêng" cả treo ảnh cha mẹ trong nhà?

Huyền Linh

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)