Vài tuần nữa mới đến Tết nhưng nhiều người đã sốt vó lo cho một khoản không thể thiếu trong những ngày đầu năm, đó là tiền mừng tuổi. Xung quanh “thủ tục” ngày xuân này, có không ít những chuyện vừa hài vừa bi.

Rát ruột vì phong bao lì xì

Năm nào gần đến Tết vợ chồng anh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng xót hết ruột gan khoản ngân quỹ dành nhét phong bao lì xì. Sau nhiều năm “rút kinh nghiệm”, hai vợ chồng cũng đã nhất trí được những cách chi sao cho ấn tượng và “đúng người, đúng chỗ”.

{keywords}
Ảnh minh họa

“Hai vợ chồng mình đều phải quan hệ, ngoại giao nhiều nên Tết đến cũng phải lo đủ loại lì xì: Lì xì con các sếp; lì xì anh chị em cùng cùng cơ quan…. Lì xì con bạn bè thân và không thân dịp tụ tập đầu năm. Rồi thêm nữa là mừng tuổi họ hàng ở quê. Làm sao với mỗi đối tượng nhận lì xì phải vừa ấn tượng, vừa công bằng, hợp lý… là cả vấn đề” – anh Hùng chia sẻ..

Anh bảo, bạn bè xã giao thì không sao, chứ ở cơ quan anh mọi người có “truyền thống” lì xì cho nhau. Sau mỗi chiếc phong bao ấy là đủ chuyện “hỉ - nộ - ái - ố” mà không ai muốn làm ai mất lòng. Riêng tuổi con sếp, mừng tuổi sếp thì anh càng phải cẩn thận để vừa tạo ấn tượng, lại vừa “hâm nóng” mối quan hệ. Vài ba năm nay, anh còn kì công đổi riêng toàn “đô” nhiều loại để lì xì những nhân vật đặc biệt, “vừa độc, vừa sang. Mỗi năm kinh tế hai vợ chồng khá khẩm hơn thì khoản tiền mừng tuổi cũng phình ra đáng kể.

Còn về quê thì anh chị cũng phải tính toán để mừng tuổi người này người kia cho hợp lí, công bằng, tránh trường hợp tị tạnh, dù là người lớn hay trẻ con. Mới đầu năm, đi mừng tuổi mà bị lời ra tiếng vào, mè nheo trách móc dù nặng hay nhẹ thì cũng mất dông. “Đồng tiền đi liền khúc ruột, mình cũng rát ruột lắm nhưng không có không được” – anh trầm ngâm nói.

Được oai thì… lép túi

Được oai thì phải chịu lép túi, đó là nỗi khổ liên quan tới việc mừng tuổi đầu năm của vợ chồng chị Ngọc Bích (Sài Đồng, Long Biên) mỗi dịp năm hết Tết đến. Cùng sinh trưởng ở một huyện ngoại thành Hà Nội, vợ chồng Bích được coi là niềm tự hào của dòng họ vì sớm thoát ly, có công, có danh ở đất Hà thành: Một người làm nhân viên trong cơ quan của Bộ, còn một người là giáo viên trường nổi tiếng ở Hà Nội. Cả hai đều tự lực cánh sinh vươn lên, “không phải nhờ cậy vào ai, cũng chẳng mất đồng tiên đi xin việc nào” như lời bà con đồn đại.

Nhưng không nói thì không ai biết, “có tiếng mà chẳng có miếng”, cuộc sống vợ chồng Bích vẫn còn vô số nỗi bấp bênh: Lương công chức của chồng thì “hẻo”, lại bao khoản ăn uống, đi lại; lương giáo viên của vợ thì “nghèo”, lại chưa được vào chính thức nên thưởng Tết năm nào cũng thấp. Hai năm nay, hai vợ chồng chị thậm chí còn chưa dám sinh con vì kinh tế chưa ổn định. Vậy mà cũng đã qua hai cái Tết, năm nào hai vợ chồng cũng méo mặt vì lo khoản tiền mừng tuổi “khổng lồ” so với thu nhập của mình.

Chị Bích thiểu não chia sẻ: “Hai gia đình nội ngoại đều đông anh em, các em và đều đã lập gia đình, có con có cái cả. Riêng chúng mình vẫn vợ chồng “son”; Tết về cũng phải cư xử sao cho xứng mặt làm anh làm chị. Rồi còn các cô, dì, chú bác ruột thịt và các anh hem họ… đều là những người thân thiết, các cô chú chăm cho mình từ ngày bé, nay mình đi làm, ra ngoài, không mừng tuổi được cho mỗi người một trăm, năm chục thì chẳng ra sao. Mừng tuổi người lớn rồi thì bọn trẻ con cũng quanh ra quanh vào… ngóng, mừng tuổi năm ba nghìn thì muối mặt, mà mừng tuổi đôi ba chục một người, vèo cái là lép túi. Cứ năm trước kéo năm sau, tiền mừng tuổi chỉ có lên không có xuống, Tết trước ngót nghét 6- 7 triệu, Tết này có lẽ còn hơn, đau đầu lắm, không biết thu vén thế nào cho ổn thỏa!”

Tết chưa đến nơi, mà gương mặt hai vợ chồng lúc nào cũng rầu rĩ: Biết đến khi nào mới có một cái Tết xông xênh, dù chưa vướng bận con cái.

Minh Tâm

(còn nữa)