- Hè về cũng là thời gian sinh viên thi cuối kỳ, bảo vệ tốt nghiệp. Xung quanh chuyện "đi thầy" qua lăng kính giới sinh viên cũng lắm bi hài.

Méo mặt

Gương mặt méo xẹo Minh – SV năm 3 một trường đại học thuộc khối kỹ thuật ở Hà Nội tâm sự: “Cuối năm bao khoản tiền phải đóng góp nhưng tiền đi thầy cô nhiều nhất”.

Tốt nghiệp nên tặng quà hay phong bì cho thầy cô? (Ảnh minh họa, Nguồn: Yume/Internet).

Minh kể: “Vừa rồi lớp em thi học kỳ môn đầu. Vì “có ý thức” nên nhóm 4 người bọn em mỗi người đi thầy 100.000 đồng /bạn. Hiệu quả đến tức thì. Hôm thi thực hành một cậu không đi thầy, luống cuống đánh rơi cờ-lê xuống sàn. Thầy chỉ chờ vậy liền tới với gương mặt cau có, quát nạt “anh làm như vậy mai sau ra trường thì sẽ thế nào?” và bạn bị xơi điểm 0. Nhóm em mấy đứa thực hành thậm chí còn tệ hơn mà vẫn qua”.

Ở một môn khác nhóm của Minh lại rơi vào tình cảnh tương tự khi “chậm chân” hơn các bạn đi thầy từ trước. “Những bài vẽ kỹ thuật thầy chuẩn bị sẵn, đưa cho các bạn và nói “cứ yên tâm mà vào phòng thi”. Biết tin, mấy hôm nay em đang chạy vạy khắp các bạn lấy tiền đi gặp thầy để không phải thi lại.

Phương một nam sinh viên năm cuối của một trường ĐH thuộc khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ câu chuyện ở trường mình: “Nhóm bạn em làm đồ án tốt nghiệp. Ngoài chuyện “không nhắc tự phải biết” là đi thầy thì còn nhiều việc khác mà thầy khiến sinh viên khóc không nổi.

Hôm ấy cả nhóm đang ở trường thì thầy gọi, nói đang bận, có cậu con trai chuẩn bị tan trường em tới đón giúp. Nhận “lệnh” nhóm lập tức phân công người tức tốc tới đón “quý tử” giúp thầy.

Chưa hết. Thầy gọi tiếp: “Mai có bà của cháu ở quê xuống chơi, mời các em tới dự bữa cơm coi như thầy cảm ơn”. Vậy là hôm sau mọi người lại “biết ý” gom góp tiền “thôi thầy để chúng em mời. Tất nhiên là tất cả sẽ ra nhà hàng chứ không thể ở nhà ăn...."

Phải chi đậm

Tôi có cô bạn ở một tỉnh miền núi xuống Hà Nội vừa tốt nghiệp kế toán tại một trường CĐ kĩ thuật thuộc huyện Từ Liêm. Ở quê bố cô là giám đốc một công ty lớn về khai thác khoáng sản. Hiển nhiên tốt nghiệp cô sẽ về nhà làm cho công ty của bố.

4 học kỳ đầu mải làm thêm “vì không muốn dựa vào gia đình” nên việc học của cô bê trễ. Rồi cô ý thức được rằng dù về làm ở công ty gia đình nhưng bằng cấp không thể thế nào cũng được...Xác định phải đạt điểm loại giỏi kỳ cuối mới mong có bằng khá nên cô tính “đi lẻ và phải đi đậm” nếu không "tiền mất tật mang".

Phương cho biết: “Có cậu bạn vì điểm kém muốn qua môn, sợ phải học lại một năm nên đã phải chi đậm đến hơn 20 triệu để thầy tiếp sức”.

Cười ra nước mắt

Câu chuyện có thật được sinh viên ở một trường ĐH thiên về kỹ thuật ở quận Cầu Giấy truyền tai nhau mấy năm nay.

Gần cuối học kỳ, chuẩn bị thi các chàng bèn thuê hẳn xe ta-xi về tận nhà thầy ở TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) “thăm hỏi”. Mới bước ra khỏi xe, đứng trước cổng nhà thầy thì thầy nhìn thấy. Nhóm vào trong và thưa chuyện. Thầy nhẹ nhàng tiếp và nhận tiền.

Hôm sau thầy mang phong bì lên trường phản ánh lại câu chuyện. May mắn khi các chàng sinh viên chỉ bị kỷ luật nhưng chưa đến mức phải đuổi học. Một bài học nhớ đời cho không chỉ các sinh viên này mà tất cả sinh viên trong trường rằng “đi ai nhớ phải tránh đi thầy”.

Tiến, cựu sinh viên một trường CĐ ở khu vực quận Hai Bà Trưng hiện đang tiếp tục học liên thông một trường khác cùng lĩnh vực ở Cầu Giấy bổ sung: “Mình nhớ mãi năm ấy gần như cả lớp đi thầy bộ môn, còn lại 2-3 đứa trong đó có mình vì khờ dại hay sợ tốn tiền, chấp nhận “tiếng xấu dở hơi, chơi trội” mà chẳng đi. Ai dè toàn bộ số kia trượt, mấy thằng thi lại qua”.

Minh Minh
************
Bạn có gặp những câu chuyện tương tự hãy chia sẻ cho chúng tôi theo địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn bạn.