- Chi 80 triệu đồng để lắp 28 cái răng bọc sứ nhưng không được như ý, nguyên đơn đã khởi kiện bác sĩ ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Ngày 6/3, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khá hi hữu xảy ra giữa nguyên đơn là ông Đàm Thảo (SN 1970, Việt kiều Mỹ) và bị đơn là ông Trần Xuân Thắng (ngụ quận 5, TP.HCM).
Kiện vì răng ngắn, răng to
Theo đơn khởi kiện, ngày 12/2/2011, ông Đàm Thảo đến phòng khám của bác sĩ Trần Xuân Thắng để chữa răng. Tại đây, hai bên thỏa thuận bác sĩ Thắng sẽ chữa trị bọc sứ 28 cái răng cho ông trong vòng 7 ngày với số tiền tổng cộng là 80 triệu đồng. Ông Thảo đã đưa 1.000 USD (tương đương 21 triệu đồng) và 59 triệu đồng nhưng sau đó bác sĩ Thắng không trực tiếp chữa răng cho ông mà giao cho bà Lê Thị Lệ Ngân – nhân viên của phòng khám chữa trị.
Nguyên đơn bức xúc trong giờ nghị án |
Ngày 15/4/2011, bà Ngân mới tiến hành gắn răng 28 cái răng cho ông. Trước khi gắn, ông phát hiện những chiếc răng này hơi to và yêu cầu ông Thắng chỉnh sửa lại nhưng ông Thắng nói cứ gắn vào sau đó chỉnh sửa sau. Do 28 cái răng mới vẫn không phù hợp nên nguyên đơn tiếp tục bị đau nhức, ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau nhiều lần quay lại phòng khám đề nghị chỉnh sửa nhưng không gặp được bác sĩ Thắng nên ông đã đến một phòng khám nha khoa khác để chỉnh sửa lại.
Cho rằng bị đơn đã không thực hiện đúng như thỏa thuận ban đầu gây thiệt hại cho mình nên ông Thảo làm đơn khởi kiện ra tòa, yêu cầu bị đơn bồi thường tổng cộng 160 triệu đồng bao gồm 80 triệu đồng ông đã đưa để chữa răng và chi phí trong khoảng thời gian ông phải lưu trú tại Việt Nam để giải quyết vụ việc.
Tiền mất, tật mang
Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu khởi kiện đòi bồi thường nhưng hạ mức bồi thường xuống còn 50 triệu đồng nhưng phía bị đơn không chấp nhận bồi thường.
Bị đơn thừa nhận đã nhận chữa trị bọc sứ 28 cái răng cho phía nguyên đơn. Tuy nhiên, bị đơn là bác sĩ Thắng khai, chính ông là người trực tiếp gắn răng cho nguyên đơn, không có chuyện ông giao lại cho bà Ngân thực hiện như nguyên đơn trình bày. Với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bà Ngân thống nhất lời trình bày với bác sĩ Thắng.
Bác sĩ Thắng khai tiếp, vì lý do kỹ thuật nên việc gắn răng phải chia làm hai đợt, đợt đầu 20 cái, đợt sau 8 cái mới đảm bảo, phía bác sĩ đã thông báo với nguyên đơn từ trước. Sau đó, không muốn mất uy tín phòng khám nên dù không sai nhưng bác sĩ vẫn đồng ý tháo 20 cái răng ra để gắn lại. Trước khi gắn lần này, nguyên đơn đã đồng ý ký vào bản thỏa thuận đồng ý gắn cố định 28 cái răng.
Hai ngày sau, ông Thảo tiếp tục quay lại phòng khám yêu cầu tháo ra làm lại nhưng do bận đi công tác nên ông không gặp. Sau đó, nguyên đơn tự ý đến phòng khám khác tháo răng ra nên bị đơn không chấp nhận bồi thường.
Do ông Thảo không xuất trình được giấy tờ chứng minh bác sĩ Thắng đã để người khác chữa răng cho mình, trước khi gắn 28 cái răng ông Thảo đã ký vào bản thỏa thuận đồng ý rồi lại tự ý đến phòng khám khác tháo răng nên không có cơ sở cho rằng phía bị đơn không hoàn thành hợp đồng gắn răng, nguyên đơn cũng không chứng minh được thiệt hại do lỗi của bị đơn. Từ đó, Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, tiếp xúc phóng viên VietNamNet, ông Thảo bức xúc trình bày: “Tôi bỏ tiền ra gắn răng để thẩm mỹ, đảm bảo sức khỏe nhưng họ lại tỏ ra thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng hợp đồng, để cho người không có bằng cấp, chuyên môn làm làm tôi đau đớn, mất thời gian công sức theo đuổi vụ việc cho tới nay…”. Tuy nhiên, như trình bày tại tòa, ông Thảo không thể đưa ra được chứng cứ chứng minh người thực hiện hợp đồng chữa răng không phải bác sĩ Thắng mà là người khác.
Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đồng tình với quan điểm của cấp sơ thẩm nên đã bác toàn bộ kháng cáo của phía nguyên đơn. Như vậy, do không thể đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình nên phía nguyên đơn phải bấm bụng chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.
M.Phượng