Người xưa có câu: “Con trai, con gái mà chi. Sinh con có nghĩa, có nghì là hơn”. Ngày nay, dù ai cũng biết điều ấy là đúng, nhưng tư tưởng có con trai nối dõi tông đường, phụng dưỡng tuổi già, thờ cúng khi cha mẹ mất đi… dường như vẫn không hề thay đổi. Chính vì lẽ đó, nhiều bi lẫn hài kịch đã xảy ra trong không ít gia đình.

Đ. là người đàn ông đứng tuổi, ông có một mái ấm hòa thuận, con cái trưởng thành, đều đã lập gia đình và sinh ra các cháu ngoan ngoãn. Đúng ra ông phải hạnh phúc, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, ông chưa bao giờ nguôi ngoai mong ước về một người con trai. Nhìn các cháu chơi đùa ngoài sân, lòng ông lặng đi, trùng xuống khi tất cả chỉ là cháu ngoại.

Không phải ông không có con trai. Cách đây hơn 30 năm, vợ ông đã sinh ra một quý tử bụ bẫm, đáng yêu sau hai đứa con gái đầu lòng. Ông nâng niu, yêu thương nó nhất nhà, bởi nó sẽ tiếp tục làm trưởng dòng họ khi ông già yếu và mất đi. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, thì con trai bị bệnh đi ngoài khi mới 4 tháng tuổi. Quan điểm cổ hủ, cộng với cuộc sống nghèo khó, ông đã không đưa con đến bệnh viện, dù vợ ra sức khuyên bảo. Người ta mách loại lá gì, ông lấy loại ấy về cho con uống. Và thật không may, bệnh không những không hề thuyên giảm, mà cơ thể còn mất nước nhiều hơn. Đứa con của ông mất không lâu sau đó.

{keywords}
Ảnh minh họa

 Sự ra đi đột ngột của đứa con trai duy nhất khiến ông như một người điên. Ông chửi trời, chửi đất, chửi cả số phận hẩm hiu. Mẹ, vợ và hai đứa con không khỏi khiếp sợ, bàng hoàng. Và rồi ông đập tất cả những gì có trong nhà, từ ấm chén, bát đĩa… đến cái linh thiêng nhất là bát hương thờ cúng tổ tiên. Chỉ đến sau này, khi đã nguôi ngoai, ông mới tự dằn vặt mình sao có thể là những việc kinh thiên động địa như vậy.

Nhưng hi vọng vẫn chưa vụt tắt, ông lại tiếp tục công cuộc săn con trai. Vợ lại sinh cho ông những đứa con tiếp theo, nhưng tất cả đều là gái. Đến khi vợ không thể sinh nở được nữa, ông đành chấp nhận với… 5 đứa “thị mẹt” của mình. Ông vẫn yêu vợ, thương con, nhưng trong thâm tâm là khao khát có một đứa con trai và cháu đích tôn nối dõi tông đường. Nhiều lúc ngẫm lại, ông tự hỏi: Phải chăng năm xưa, trong cơn nóng giận, ông đập vỡ bát hương tổ tiên, khiến các cụ giận và không cho ông một đứa con trai nào nữa?

Khác với ông Đ., ông T. hạnh phúc hơn khi có một người con trai, là con út sau 4 đứa “vịt giời”. Các con của ông đều đã trưởng thành, yên bề gia thất. Ông được lên chức ông nội, ông ngoại, tĩnh tâm an hưởng tuổi già. Tuy nhiên, ông vẫn không cảm thấy vui, khi cả 5 đứa con, đứa nào cũng sinh toàn… con gái. Đứa con trai độc nhất cũng sinh ra 2 “thị mẹt”. Ông muốn con sinh thêm con trai, nhưng anh không đồng ý, vì kinh tế khó khăn, sinh nhiều con sẽ không thể nuôi dạy chúng đàng hoàng. Vậy mà giận con cả năm trời, trách hai vợ chồng không biết sinh cháu đích tôn cho ông.

Dù vậy, ông vẫn yêu con, quý cháu. Mỗi lần gái, con dâu sinh cháu, ông đều đến đón tay. Nhưng đón tay tổng cộng 7 đứa cháu gái khiến ông không khỏi tỏ thái độ bực tức ra mặt. Lần đứa cháu thứ 7 ra đời, ông chỉ đến ngó mặt rồi lập tức đi về. Đến đứa thứ 8, do con gái giáp út đi siêu âm thai định kỳ, biết trước giới tính nên ông không đến bệnh viện thăm nom nữa. Cả gia đình và thông gia đều buồn vì sự khao khát cháu trai của ông, dù chỉ là cháu ngoại. Vì vậy, tình cảm gia đình như có một khoảng cách mơ hồ, không còn gắn bó như ngày trước.

Dường như tư tưởng phải có con trai nối dõi đã ngấm sâu vào mỗi thế hệ gia đình Việt Nam, truyền từ đời trước sang đời sau. Dù nhiều người có tư tưởng tiến bộ, không phân biệt trai gái, vẫn tự động viên mình rằng: con nào chẳng là con, nhưng trong lòng họ vẫn có chút man mác buồn. Tuy nhiên, những người có nhiều con trai lại chưa hẳn đã hạnh phúc.

Bà S. có một người con gái cả và ba cậu con trai. Tuy nhiên, trong suốt cả chục năm qua, mấy đứa con trai lại luôn làm bà phiền lòng. Đầu tiên là thằng lớn hư hỏng, bỏ học theo bạn bè lêu lổng, dính vào tệ nạn ma túy. Mặc cho bố mẹ và chị khuyên can, nó đều bỏ ngoài tai. Hai đứa em đi theo “mảnh gương vỡ” là anh, bị bạn bè của anh lôi kéo, cũng rơi vào con đường nghiện ngập. Không con gì đau xót hơn khi cả ba đứa con trai đều không thành người. Bố mất đi chưa bao lâu, đứa con trai đầu cũng chết do sốc thuốc, để lại hai đứa em thay nhau hành hạ mẹ. Chúng vòi tiền, đem đồ đạc trong nhà đi bán, vay nợ lãi suất cao khiến những đàn anh, đàn chị mang dao đến nhà dọa giết… Nhà bà vốn có điều kiện, giờ đây xơ xác, tiêu điều, không còn đồ vật gì đáng giá.

Mỗi lần nhắc đến con trai, dòng nước mắt bà S. lại lăn dài. Chỉ có đứa con gái làm bà mát mặt, vì chị chịu thương, chịu khó, giờ lại lấy được chồng giàu có ở Hà Nội, sinh cho bà được đứa cháu ngoại cao to, thông mình. Đó là niềm an ủi duy nhất của bà. Bà vẫn thường nói rằng: “ Con gì cũng là con, hãy nuôi dạy thật tốt. Bà K. là hàng xóm của tôi, chỉ có 4 đứa con gái, nhưng giờ đều thành đạt cả, lại biết báo hiếu cha mẹ. Lễ Tết, con cái vẫn về sum họp đầy đủ, không thiếu đứa nào. Nhà tôi có những 3 thằng con trai, mà lúc nào cũng đìu hiu, càng nghĩ càng thêm đau lòng”.

Ngày nay, xã hội văn minh, điều quan trọng không phải là trai hay gái, mà là những đứa con ấy có thành người hay không? Thiết nghĩ, điều cần thiết hơn cả là làm sao để có thể nuôi con thành đạt, hoặc ít nhất cũng là người có ích cho xã hội, tránh xa cám dỗ của cuộc đời. Giờ đây, mỗi khi nhắc đến chuyện con gái, con trai, không ít người phải lặng đi suy nghĩ…

Tình Linh