- Bi kịch lớn là khô cạn nguồn vốn cùng với giá thị trường xuống sâu đã đánh gục các cơ sở chăn nuôi. Việc tham gia gia công cho doanh nghiệp FDI chính là cách nhiều người nuôi lựa chọn để hồi sức.

Bi kịch lớn

Đối mặt với hàng loạt những khó khăn như giá cả, dịch bệnh, gia cầm nhập lậu... không chỉ các doanh nghiệp mà ngay cả hộ chăn nuôi cũng phải “đầu quân” cho rất nhiều ông chủ chăn nuôi nước ngoài.

Chị Nguyễn Thị Tài ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai mới đây đã ký hợp đồng nhận nuôi heo gia công cho một doanh nghiệp nước ngoài. Trước mắt, họ bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại cho đúng tiêu chuẩn, mặc dù số tiền thu định kỳ khi xuất chuồng khá khiêm tốn so với quy mô đầu tư.

Tuy vậy, chị Tài cho biết “không còn cách nào khác nên đành phải lựa chọn mô hình này”. Bởi, trước mắt, gánh nặng về giá thức ăn chăn nuôi trồi sụt thất thường được giải quyết. Rủi ro về giá cả đầu ra cũng không còn khi đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, đây là giải pháp trước mắt vì thời hạn cho mỗi hợp đồng chỉ là 5 năm.

Khảo sát tại xã Tân Bình, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho thấy, có 20 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn với khoảng 20.000 con heo. Song, cũng có đến 13 hộ đang gia công cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chủ yếu là cho “đại gia” như CP, Emivest, Japfa... Xu hướng này vẫn đang tăng vì hầu hết hộ nuôi đều muốn giảm thiểu rủi ro cũng như bớt gánh nặng về vốn.

{keywords} 

Các cơ sở sản xuất con giống cũng trở nên điêu đứng trước thực trạng nhiều trang trại “bán thân” cho doanh nghiệp nước ngoài. Hiện giá gà giống giảm xuống còn 3.000-4.000 đồng/con nhưng vẫn không có trang trại, hộ nuôi nào mua. Trong bối cảnh không tìm được đầu ra nên một số công ty, cơ sở sản xuất gà giống chấp nhận cho không, song cũng không ai nhận nuôi. Bởi với giá gà trắng 15.000-16.000 đồng/kg, gà tam hoàng 36.000-38.000 đồng/kg, dù được miễn phí tiền giống, người nuôi vẫn lỗ nặng. Như vậy, họ chỉ còn cách quyết định gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài để hạn chế lỗ.

Theo các chuyên gia, bi kịch lớn ở đây là khô cạn nguồn vốn cùng với giá thị trường xuống sâu đã đánh gục các cơ sở chăn nuôi. Việc tham gia gia công cho doanh nghiệp FDI chính là cách nhiều người nuôi lựa chọn để hồi sức. Tuy nhiên, từ cương vị làm chủ giờ người nông dân lại trở thành người làm thuê. Các doanh nghiệp FDI đang dễ dàng khai thác cơ sở hạ tầng, chuồng trại của ngành chăn nuôi mà cụ thể là các hộ nuôi. Khi các hộ nuôi tập trung làm gia công thì việc quyết định giá bán lại nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ, nhận định: “Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ và kịp thời về vốn vay, thuế VAT cho thức ăn chăn nuôi. Khi giá heo, gà không tăng cao thì phải có chính sách bình ổn giá không để giá xuống quá thấp. Nông dân bị đẩy vào tình trạng này chủ yếu do chưa xây dựng được chuỗi bền vững từ trang trại đến bàn ăn. Nếu cứ mạnh ai nấy làm thì sớm muộn từ người chăn nuôi đến nhà sản xuất thức ăn cùng ‘chết’ và chăn nuôi ‘ngoại’ sẽ chiếm lĩnh thị trường”.

Khống chế đầu nguồn

Hiện nước ta có 233 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN), trong đó 58 nhà máy (24,9%) thuộc các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Với số lượng ít nhưng họ chiếm tới 50% thị phần TĂCN ở Việt Nam. Trong khi đó, về sản phẩm thuốc thú y, các công ty nước ngoài cũng chiếm khoảng 80% thị phần nội địa.

Về thị phần thực phẩm, riêng CP đã chiếm 30% trứng gà, 30% thịt gà và 7% thịt lợn. Công ty này chỉ cung cấp khoảng 5% về giống lợn nhưng lại cung cấp tới 8% thị phần sản phẩm từ lợn trên thị trường.

{keywords} 

Ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Thái Dương, còn dẫn chứng, có những giai đoạn bệnh dịch xảy ra, giá vaccine từ 7.000 đồng/liều đã bị đẩy lên gấp đôi, gấp ba (15.000-20.000 đồng/liều) do khan hiếm. Thêm vào đó là tình trạng “người nông dân bán giá dưới đất, tiểu thương bán giá trên trời”, ông Lê Quang Thành ví von khi nói về sự chênh lệch giá giữa người sản xuất và người tiêu dùng có khi lên đến 200%. Điều này được lý giải là do người chăn nuôi không có được thông tin cập nhật về giá bán buôn sản phẩm để “mặc cả” với thương lái.

Một chủ trang trại ở Đồng Nai nói rằng, hiện người chăn nuôi đang bị các "đại gia" trong ngành quyết định giá bán sản phẩm. Ví như gà thịt, thương lái sử dụng giá bán của các công ty lớn để ép mua của nông dân. “Tôi nghĩ đây là cơ hội để các công ty lớn dồn ép người chăn nuôi vào dòng xoáy giá cả do họ tạo ra. Chúng tôi đang rất khó khăn để tồn tại”, ông nói.

Theo Hiệp hội chăn nuôi Bình Phước, nhiều nông dân nuôi theo hình thức gia công cho CP đang rất bức xúc vì công ty này không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận khi mời gọi họ đầu tư. Chẳng hạn, CP bán các thiết bị xây dựng chuồng trại đắt hơn 20-30% giá sản phẩm cùng loại trên thị trường, hợp đồng bắt gà sau 42-45 ngày nhưng công ty thường để đến trên 50 ngày, toàn bộ chi phí thức ăn tăng thêm và thiệt hại do gà chết vì quá ngày tuổi người dân phải chịu.

Chưa hết, riêng thị phần TĂCN công nghiệp, một số công ty nước ngoài như CP Vietnam đã chiếm khoảng 18%, Pronco 12%, New Hope khoảng 9-10%, Cargill và Vietnam’s Green Feed khoảng 8% mỗi công ty. Không chỉ đầu tư mạnh vào lĩnh vực TĂCN, các DN vốn nước ngoài còn tập trung sản xuất giống vật nuôi. Riêng với giống gà công nghiệp lông trắng thì các công ty nước ngoài chiếm ưu thế vượt trội, trong đó CP Vietnam và Emivest xuất bình quân 6 triệu gà giống/tháng cho người chăn nuôi. Như vậy mỗi khi có biến về cung - cầu thì người chăn nuôi càng khốn đốn.

Phát biểu tại Hội thảo thúc đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam mới đây, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục chăn nuôi Bộ NN-PTNT, cho rằng, “nếu Nhà nước không nhanh chóng có những chính sách hiệu quả để khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước có đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài, thì tương lai không xa, người tiêu dùng nội địa sẽ phải ăn thịt và trứng nhập khẩu sản xuất ngay trên chính nước mình”.

Về chi phí đầu vào, các doanh nghiệp cũng như cơ sở chăn nuôi cũng khó lòng kiểm soát. Số liệu từ Cục chăn nuôi cho thấy, nước ta hiện có 233 nhà máy sản xuất TĂCN, trong đó 58 nhà máy (24,9%) thuộc các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả công ty 100% vốn nước ngoài và các công ty liên doanh) nhưng sản xuất TĂCN công nghiệp quy đổi chiếm tới 60% tổng sản lượng TĂCN công nghiệp quy đổi.

Giá TĂCN trong nước luôn ở mức cao một phần vì phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Giá nguyên liệu nhập khẩu biến động bất thường sẽ ảnh hưởng đến mặt hàng thức ăn chăn nuôi ở trong nước. Ngoài ra, các nhà máy trong nước thường có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nên chi phí sản xuất cao, giá thành cao.

Nam Phong