Có rất nhiều nguyên nhân khiến tường, trần nhà bị thấm nước từ khách quan cho đến chủ quan như: vật liệu xây dựng kém chất lượng, ảnh hưởng của mưa, nắng, đường ống nước có trục trặc, nhà xuống cấp do đã xây dựng lâu... Để khắc phục triệt để thấm dột và ngăn ngừa tường, trần nhà bị mốc hiệu quả, trước tiên cần phải khảo sát kỹ nguyên nhân. Bên cạnh những phương thức chống thấm đắt đỏ, tốn kém, bạn hoàn toàn có thể tham khảo những cách chống thấm đơn giản, dễ làm và ít tốn kém sau đây:
Tường và trần nhà thấm, mốc rất mất thẩm mỹ và cảnh báo sự xuống cấp của ngôi nhà. |
Trồng cây dây leo
Trần nhà và các bề mặt tường, đặc biệt là nhà hướng Tây thường phải tiếp xúc trực tiếp với khí hậu khắc nghiệt, dễ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột gây nên hiện tượng co giãn, từ đó tạo ra vết nứt, thấm nước. Để hạn chế phần nào hiện tượng này, bạn nên sử dụng các biện pháp che chắn, giảm bức xạ cho tường nhà như lợp thêm một lớp mái che bằng tôn, ngói trên trần nhà. Ngoài ra, có thể trồng cây leo ở mặt tường tiếp xúc hướng nắng nhiều để làm giảm ánh nắng trực tiếp rọi vào tường.
Ưu điểm của các loại hoa leo, cây dây leo là khả năng phát triển theo phương thẳng đứng, khả năng chịu nắng và gió cao, bảo vệ tường trước sự "tấn công" trực tiếp của các yếu tố thời tiết bất lợi như mưa, nắng, gió, bão... Hơn nữa những cây hoa leo đẹp còn mang lại vẻ đẹp và không gian xanh cho ngôi nhà.
Cây, hoa dây leo bảo vệ tường trước sự "tấn công" của thời tiết. |
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc trồng cây dây leo bám tường về lâu dài sẽ khiến tường nhà dễ bị ẩm thấp, bong tróc, vỡ lở... Điều này cũng không hoàn toàn không có lý. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, cần chọn chủng loại cây phù hợp, tránh trồng cây có lá hoặc thân cây có vị chua, cây có chân bám như họ tầm gửi... Tốt nhất trước khi lựa chọn cây dây leo cho ngôi nhà, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia cây cảnh. Điều đặc biệt cần lưu ý là nên chọn loại sơn ngoại thất tốt, xử lý chống thấm ngoài nhà ở các khu vực dự định trồng cây. Đảm bảo được các yếu tố trên, nhà bạn không chỉ xanh mát, đẹp mắt mà còn chẳng bao giờ phải lo đến chuyện tường thấm dột.
Giấy dán tường
Hiện nay, thị trường xuất hiện nhiều loại giấy dán tường khá dày và có độ chống thấm tốt, có khả năng chịu được kiềm và axit, thích nghi với môi trường khí hậu thay đổi thường xuyên.
Giấy dán tường vừa giúp chống thấm vừa khiến không gian nhà đẹp hơn. |
Hoặc bạn có thể sử dụng giấy decal phủ nilon chống ẩm. Bên cạnh khả năng bảo vệ tường nhà, giấy dán tường và decal còn đa dạng về màu sắc, họa tiết, hoa văn nên mang đến nhiều phong cách khác nhau cho không gian sử dụng, từ trẻ trung, sinh động đến hiện đại, sang trọng. Đặc biệt, giấy dán tường có thể tạo điểm nhấn từ các chi tiết nhỏ nhất trong phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, phòng trẻ em,… và dễ dàng thay đổi theo xu hướng.
Xử lý bằng sơn chống thấm
Đối với những bức tường bị thấm ở nhà cũ xuống cấp, đầu tiên bạn phải cạo sạch lớp sơn bị bong tróc của tường rồi vệ sinh sạch những chỗ bị thấm, rong rêu bao phủ. Tiếp đó, hãy tìm những kẽ hở, vết nứt lớn và dùng hồ vữa trám những vết hở này lại.
Làm sạch phần tường bị thấm, mốc và phủ lên lớp sơn chống thấm. |
Cuối cùng, phủ một đến hai lớp sơn chống thấm. Cần đảm bảo là tường đã được làm sạch trước khi phủ sơn chống thấm, nếu không thì lớp sơn mới sẽ không đảm bảo chất lượng.
Thường xuyên kiểm tra ống thoát nước
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tường nhà bị thấm chính là các ống nước bị vỡ hay rò rỉ. Bên cạnh chọn đúng loại ống, thi công tốt, bạn nên định kỳ kiểm tra ống thoát nước trực tiếp từ trần nhà, ban công trước và sau mỗi trận mưa lớn để chắc chắn rằng miệng cống không bị tắc vì rác bẩn, bụi bặm. Bạn nên chú ý quan tâm tới việc này bởi trên thực tế đã có nhiều gia đình bị mốc tường chỉ vì ống thoát nước ở trần, ban công bị tắc mà không hề biết.
Linh Hương (Tổng hợp)
Kinh nghiệm tránh rủi ro khi mua nhà đất đang thế chấp ngân hàng
Có nên mua nhà đang thế chấp ngân hàng và làm gì để tránh rủi ro? Tất cả những thắc mắc trên sẽ được giải đáp rõ ràng theo quy định dưới đây.